Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang: Không vì lợi ích kinh tế mà hy sinh môi trường

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 18/04/2017

(TN&MT) - Những ngày gần đây, công luận cả nước bày tỏ nhiều lo lắng về nguy cơ hủy hoại môi trường lưu vực sông Hậu từ Dự án Nhà máy giấy Lee&Man. Phóng viên Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phỏng vấn ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, người chịu được giao trách nhiệm chính thức phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xung quanh dự án này.

*P/V: Công luận và các nhà khoa học đang luận bàn sôi nổi về việc Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo nuôi cá tại cống xả nước thải của Nhà máy giấy Lee&Man, cho cán bộ ăn, để thử nghiệm. Ông nói gì về vấn đề này?

- Ông Trương Cảnh Tuyên: Trong cuộc họp gần đây, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, có đề nghị cần tăng cường chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lợi cá nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đề xuất thực hiện 1 điểm nuôi nhằm cảnh báo sớm vấn đề môi trường thủy sản tại địa bàn. Vì rút kinh nghiệm chung của nhiều địa phương, khi có hiện tượng cá chết, bằng hình thức sự vụ, sự việc đã rồi, ảnh hưởng rất lớn quyền lợi của người dân và ngành nông nghiệp.

 Trước khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép xả thải vào nguồn nước cho Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man, ngày 12/1/2017, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân (thứ 2, từ trái qua) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên (thứ hai, từ phải qua) đã trực tiếp thị sát các hạng mục công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường tại Nhà máy giấy Lee&Man.
Trước khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép xả thải vào nguồn nước cho Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man, ngày 12/1/2017, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân (thứ 2, từ trái qua) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên (thứ hai, từ phải qua) đã trực tiếp thị sát các hạng mục công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường tại Nhà máy giấy Lee&Man.

Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị điểm nuôi tại sông Mái Dầm cặp nhà máy. Vì đây là nơi nguồn nước chính đi vào địa bàn Hậu Giang - chứ không phải nuôi trực tiếp tại cống xả thải của nhà máy (vì ống xả trực tiếp ra sông Hậu, muốn nuôi phải xin phép Cục quản lý đường thủy nội địa). Từ điểm nuôi này ngành nông nghiệp sẽ phối hợp các nhà khoa học nghiên cứu xây dựng mô hình quan trắc chuyên sâu về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo chức năng quản lý ngành nông nghiệp - chứ không phải lấn sân xử lý môi trường Nhà máy giấy Lee&Man.

Vấn đề này, cần phải nói rõ rằng là Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang có ý kiến yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy trình nuôi cá là để có cơ sở căn cứ cho việc làm điểm cảnh báo môi trường hợp lý, mô hình mang tính khoa học và sẽ trình UBND tỉnh xem xét, quyết định - sau khi Nhà máy giấy Lee&Man được cơ quan chức năng xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường và chính thức đi vào hoạt động.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nghe cán bộ báo cáo chi tiết việc thực hiện các hạng mục xử lý chất thải bảo vệ môi trường tại thực địa trong Nhà máy giấy Lee&Man.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nghe cán bộ báo cáo chi tiết việc thực hiện các hạng mục xử lý chất thải bảo vệ môi trường tại thực địa trong Nhà máy giấy Lee&Man.

*P/V:Xin ông cho biết qui trình quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với Dự án Nhà máy giấy Lee&Man đến nay đã xác lập?

- Ông Trương Cảnh Tuyên: Dự án Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào ngày 25/1/2017 và cấp Giấy phép xả thải vào nguồn nước ngày 21/2/2017.

Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước hiện hành thì Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam được phép vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam trong thời hạn không quá 6 tháng. Trên thực tế, Công ty đã vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án vào ngày 7/3/2017. Quá trình vận hành thử nghiệm sẽ được kiểm tra để sau khi hết thời hạn vận hành thử nghiệm thì có thể tiến tới xác nhận cho phép hoặc chưa cho phép vận hành chính thức các công trình bảo vệ môi trường.

Hiện nay Dự án đang trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải và được sự kiểm tra, giám sát của Tổ giám sát (do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập) và Nhóm kỹ thuật thường trực (do UBND tỉnh Hậu Giang thành lập), đồng thời Công ty tự giám sát. Tổ giám sát và Nhóm kỹ thuật thường trực giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án trên cơ sở báo cáo ĐTM đã được phê duyệt và Giấy phép xả thải vào nguồn nước.

Dự án Nhà máy giấy Lee&Man đã xây dựng nhà máy nhiệt điện riêng để vận hành.
Dự án Nhà máy giấy Lee&Man đã xây dựng nhà máy nhiệt điện riêng để vận hành.


*P/V: Việc tổ chức kiểm tra, giám sát được UBND tỉnh Hậu Giang giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năngnhư thế nào?

- Ông Trương Cảnh Tuyên: Trên cơ sở Quyết định thành lập Tổ giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hậu Giang đã thành lập và giao nhiệm vụ trực tiếp cho Nhóm kỹ thuật thường trực giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Dự án (Quyết định số 388/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2017) với thành viên là đại diện các sở ban ngành tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng UBND tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công Thương; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường - Công an tỉnh), UBND huyện Châu Thành, Công an huyện Châu Thành, UBND thị trấn Mái Dầm; đồng thời mời đại diện Cục Môi trường miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ tham gia thành viên Nhóm kỹ thuật thường trực.

Nhóm kỹ thuật thường trực giám sát hàng ngày quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Dự án, định kỳ thu mẫu, phân tích đánh giá chất lượng chất thải sau xử lý trong quá trình vận hành thử nghiệm để kiểm tra, đối chứng (Tổ giám sát và Nhóm kỹ thuật thường trực thuê đơn vị độc lập để lấy mẫu, phân tích), báo cáo Tổ Giám sát; Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh, để kịp thời xử lý khi có phát sinh ô nhiễm.

Mặc dù dự án Nhà máy giấy Lee&Man nằm tại vị trí có lưới điện quốc gia đi qua.
Mặc dù dự án Nhà máy giấy Lee&Man nằm tại vị trí có lưới điện quốc gia đi qua.


*P/V: Có dư luận cho rằng công nghệ Nhà máy giấy Lee&Man thuộc loại lạc hậu, các nước từ chối tiếp nhận đầu tư nhưng vì lãnh đạo Hậu Giang muốn có thành tích tăng trưởng nên hy sinh môi trường, mời gọi đầu tư, ông bình luận gì về vấn đề này?

- Ông Trương Cảnh Tuyên: Thời gian vừa qua, dư luận đối với dự án Nhà máy Giấy Lee & Man rất nhiều và tôi xin khẳng định lại quan điểm lãnh đạo tỉnh Hậu Giang là: Không vì bất cứ thành tích hoặc lợi ích kinh tế mà hy sinh môi trường. Việc thu hút đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tất cả các Doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Hâu Giang - trong đó có dự án Nhà máy giấy Lee và Man, đều phải chấp hành đúng quy định pháp luật Bảo vệ môi trường Việt Nam.

*P/V: Có phải vì đã lỡ chấp thuận cho nhà đầu tư triển khai xây dựng Nhà máy giấy Lee&Man nên chính quyền, cơ quan chức năng không thể mạnh tay xử lý dự án này không, thưa ông?

- Ông Trương Cảnh Tuyên: Tôi xin nhấn mạnh rằng mọi doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nếu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật - trường hợp Dự án nhà máy Giấy Lee & Man chắc chắn là không ngoại lệ.

Cho đến thời điểm hiện nay, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã và đang tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Công ty đã khắc phục, hoàn thiện các yêu cầu theo Kết luận Đoàn Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo ĐTM, cấp giấy phép xả thải.

Dự án nhà máy Giấy Lee & Man đang giai đoạn vận hành thử nghiệm. Quá trình vận hành thử nghiệm có thể phát sinh một số vấn đề và trách nhiệm của Công ty phải kiểm tra, hiệu chỉnh các công trình bảo vệ môi trường cho phù hợp yêu cầu, đúng theo qui định để ổn định và hoàn thiện mới đi vào vận hành chính thức.

Vừa qua, có xảy ra phản ánh mùi, bụi, tiếng ồn Công ty đã và đang có kế hoạch bổ sung hoàn thiện biện pháp xử lý. Công ty cũng đã cam kết khắc phục và đã được công khai để người dân, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tham gia giám sát.

*P/V: Để người dân ở Hậu Giang và cả lưu vực sông Hậu yên tâm, ông nói gì?

- Ông Trương Cảnh Tuyên: UBND tỉnh Hậu Giang đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ đạo ngành chuyên môn, chính quyền địa phương - kể cả người dân sống xung quanh khu vực, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động dự án để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải của dự án theo ĐTM đã được phê duyệt.

Nhân đây chúng tôi cũng kêu gọi tất cả người dân trong và ngoài tỉnh tăng cường giám sát cùng với các cấp chính quyền của tỉnh, phản ánh kịp thời những phát sinh gây ô nhiễm của dự án để chúng tôi yêu cầu Nhà máy kịp thời khắc phục trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối về môi trường sống của người dân.

“Nhân đây chúng tôi cũng kêu gọi tất cả người dân trong và ngoài tỉnh tăng cường giám sát cùng với các cấp chính quyền của tỉnh, phản ánh kịp thời những phát sinh gây ô nhiễm của dự án để chúng tôi yêu cầu Nhà máy kịp thời khắc phục trong thi gian sớm nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối về môi trường sống của người dân” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên.

Hùng Long (thực  hiện)