Hiện đại hóa công tác đo đạc bản đồ để đáp ứng yêu cầu phát triển
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 15/03/2017
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu các đơn vị trong lĩnh vực đo đạc bản đồ phải tiến tới công nghệ hiện đại để đáp ứng được yêu cầu quản lý không gian, các vùng đặc quyền kinh tế, các vùng lãnh thổ, các quyền chủ quyền của đất nước…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc sáng 15/3. Ảnh:Khương Trung |
Từng bước đáp ứng được yêu cầu của ngành
Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (ĐĐBĐ), ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục ĐĐBĐ cho biết: Trong thời gian qua, Cục luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và kịp thời của Lãnh đạo Bộ, các Vụ chức năng cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp của các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ. Cục ĐĐBĐ đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra. Cụ thể:
Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các đề án, dự án chuyên môn, từng bước đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý của ngành;
Đã xây dựng được hệ thống bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:10.000, 1:50.000 phủ trùm toàn quốc; bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2000, 1:5000 các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm phục vụ cho việc quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội;
Các kết quả nghiên cứu khoa học, dự án thử nghiệm cấp Bộ, đề tài cấp cơ sở của Cục ĐĐBĐ luôn được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao vì có tính ứng dụng cao, phục vụ tốt cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và ứng dụng vào thực tế sản xuất;
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Khương Trung |
Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đặc biệt là việc triển khai các dự án mà Việt Nam hỗ trợ cho Lào, Campuchia đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Đo đạc Bản đồ Việt Nam với các cơ quan chuyên môn của Lào và Campuchia…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Phan Đức Hiếu cũng nêu lên những khó khăn, tồn tại cần được khắc phục như: Chưa có Luật đo đạc bản đồ nên chưa có cơ sở pháp lý đủ mạnh để thực hiện quản lý Nhà nước thống nhất hoạt động đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và của ngành; Đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; Thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu…
Trong năm 2017, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra về hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn 05 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Gia Lai, Thái Bình và thành phố Cần Thơ; phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của Ủy ban nhân dân 07 tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Kon Tum và An Giang. |
Năm 2017: Trọng tâm là xây dựng dự án Luật Đo đạc và bản đồ
Về nhiệm vụ năm 2017 và những năm tới, Cục ĐĐBĐ xác định nhiệm vụ trọng tâm là sớm tham mưu để Bộ TN&MT trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đo đạc và bản đồ để thống nhất quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đo đạc và bản đồ; xây dựng các Nghị định,Thông tư hướng dẫn Luật, Nghị định quản lý nhà nước về hoạt động Viễn thám.
Đồng thời Cục ĐĐBĐ cũng sẽ rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển ngành đo đạc bản đồ Việt Nam đến năm 2030, định hướng phát triển đến năm 2035; Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đo đạc phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong tình hình mới, trong đó tập trung vào việc xây dựng hệ thống trạm định vị vệ tinh trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo Quy hoạch 90 đã được Chính phủ phê duyệt, hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia, mô hình Geoid để công bố.
Bên cạnh đó, Cục ĐĐBĐ cũng tập trung cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia phục vụ phát triển kinh tế xã hội và công tác quản lý của các ngành, phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đo đạc bản đồ, trong đó đặc biệt quan tâm tới các nhiệm vụ chuyển giao cho Lào và Campuchia. “Cục ĐĐBĐ cũng xác định sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chuyên gia về lĩnh vực đo đạc bản đồ đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành…” - Cục trưởng Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục ĐĐBĐVN trình bày báo cáo triển khai nhiệm vụ năm 2017 của lĩnh vực đo đạ bản đồ. Ảnh: Khương Trung |
Quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, bên cạnh những nhiệm vụ như kế hoạch năm 2017 của Cục ĐĐBĐ đã đề ra, nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới của lĩnh vực đo đạc bản đồ là việc hoàn thiện dự án Luật Đo đạc bản đồ. Thứ trưởng đề nghị, song song với việc hoàn thiện dự án Luật, Cục ĐĐBĐ và Cục Viễn thám Quốc gia cũng cần khẩn trương xây dựng và sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc thi hành Luật Đo đạc bản đồ sau khi dự án luật này được Quốc hội thông qua.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Ngành đo đạc bản đồ đã có truyền thống gần 60 năm xây dựng và trưởng thành nên cần phát huy trí tuệ, sức sáng tạo để vươn lên mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu của ngành trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đề cập đến ý nghĩa của công tác đo đạc bản đồ đối với phát triển kinh tế xã hội cũng như đảm bảo an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là phạm vi hết sức quan trọng, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong lĩnh vực đo đạc bản đồ tiến tới công nghệ hiện đại để đáp ứng được yêu cầu quản lý không gian, các vùng đặc quyền kinh tế, các vùng lãnh thổ, các quyền chủ quyền của đất nước.
Nhấn mạnh các chức năng nhiệm vụ của ngành TN&MT mà Chính phủ giao trong đó có công tác đo đạc bản đồ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu xác định trách nhiệm quản lý thống nhất về công tác đo đạc bản đồ để đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. “Phải không ngừng nâng cao chất lượng để mỗi sản phẩm đo đạc bản đồ mà ngành TN&MT thực hiện phải trở thành công cụ phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.
Toàn cảnh cuộc họp sáng 15/3 tại Trụ sở Bộ TN&MT. Ảnh: Khương Trung |
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Cục ĐĐBĐ và các đơn vị liên quan trong lĩnh vực này cần làm rõ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác đo đạc bản đồ hiện nay như thế nào. Bộ trưởng yêu cầu ngành đo đạc bản đồ rà soát, xem xét, điều chỉnh bổ sung, cập nhật… để có hệ thống cơ sở dữ liệu tương đối hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu đo đạc bản đồ phải thống nhất quy trình cập nhật, phải là hệ thống thống nhất trong toàn ngành, thống nhất từ Trung ương đến địa phương đảm bảo tính chính xác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội... “Phải xác định các cơ sở dữ liệu bản đồ một cách cơ bản, đảm bảo tính thống nhất để từ đó, các ngành, các lĩnh vực sẽ khai thác, sử dụng” - Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu phải xác định đúng nhiệm vụ, chức năng của ngành TN&MT trong lĩnh vực đo đạc bản đồ để từ đó đưa ra, điều chỉnh toàn bộ, các ngành, các lĩnh vực, các địa phương… trong lĩnh vực đo đạc bản đồ. Đặc biệt trong quá trình xây dựng dự án Luật đo đạc bản đồ, Bộ trưởng lưu ý phải đề cập và được thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong đó Bộ TN&MT là cơ quan thay mặt cho Chính phủ quản lý lĩnh vực đo đạc bản đồ.
Bộ trưởng cũng lưu ý cần đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công tác đo đạc bản đồ. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong lĩnh vực quan tâm đến vấn đề hiện đại hóa, với những trang thiết bị, công nghệ phục vụ đo đạc bản đồ mà các doanh nghiệp xã hội hóa không đầu tư được thì cần kiến nghị để Nhà nước đầu tư.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục đo đạc bản đồ Việt Nam phối hợp tốt với Cục Bản đồ (Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng) trong việc điều tiết, phối hợp sử dụng cơ sở dữ liệu đo đạc bản đồ. Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý Ban soạn thảo đưa những quy định chi tiết đối với việc xã hội hóa công tác đo đạc bản đồ để điều hành, quản lý tốt công tác này trong một hệ thống thống nhất.
Một trong những việc cấp bách phải làm ngay, Bộ trưởng yêu cầu Cục ĐĐBĐ phải nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin địa lý vì đây là cơ sở dữ liệu nền tảng, là biện pháp hữu hiệu để xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ và cơ sở dữ liệu khác nói chung.
Kết thúc phần phát biểu của mình, Bộ trưởng yêu cầu ngay sau cuộc họp này, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam tổng hợp lại các cơ sở dữ liệu đo đạc quốc gia đã có mà Bộ TN&MT đang quản lý để chuẩn bị đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tất cả các Bộ, ngành, địa phương sử dụng những để tránh sự lãng phí.
Thúy Hằng - Việt Hùng