Miền Trung: Mưa lũ đã làm 4 người chết, 3 người bị thương, 2 người mất tích
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 03/12/2016
Đường về các xã của huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) bị ngập sâu trong lũ |
Mưa lớn trên diện rộng, gió mạnh trên biển
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang lên, các sông ở Bình Định đang xuống.
Mực nước lúc 04 giờ ngày 03/12 trên các sông như sau: Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 4,66m, dưới mức BĐ1; Sông Thu Bồn tại Giao Thủy 5,23m, dưới mức BĐ1; Sông Trà Khúc tại Trà Khúc 4,84m, dưới BĐ2 0,16m; Sông Vệ tại Sông Vệ 4,26m, dưới BĐ3 0,24m; Sông Kôn tại Thạnh Hòa 7,31m, trên BĐ2 0,31m.
Dự báo, trong 6 giờ tới, mực nước trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục lên, các sông ở Bình Định tiếp tục xuống. Sông Trà Khúc tại Trà Khúc lên mức 5,1m, trên BĐ2 0,1m; Sông Vệ tại Sông Vệ lên mức 4,6m, trên mức BĐ3 0,1m;
Trong 12 giờ tới, mực nước trên các sông ở Quảng Nam tiếp tục lên; các sông ở Quảng Ngãi xuống chậm, các sông ở Bình Định tiếp tục xuống. Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 6,0m, dưới BĐ1 0,5m; Sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên mức 6,5m, trên BĐ1 0,3m; tại Câu Lâu lên 2,3m, trên BĐ1 0,3m. Sông Trà Khúc tại Trà Khúc xuống mức 4,9m, dưới BĐ2 0,1m; Sông Vệ tại Sông Vệ xuống mức 4,4m, dưới BĐ3 0,1m; Sông Kôn tại Thạnh Hòa xuống mức 6,8m, dưới BĐ2 0,2m.
Tình trạng ngập lụt tại các huyện An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định) giảm dần; các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Minh Long, Bình Sơn (Quảng Ngãi) vẫn tiếp diễn. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Nước sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi) dâng cao |
Hiện nay (03/12), do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 24 giờ qua (tính đến 1 giờ ngày 03/12) phổ biến 40-80mm; riêng Quảng Nam-Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 90-180mm. Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên trong ngày và đêm nay ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa, mưa vừa, riêng Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (50-150mm).
Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ suy yếu dần nên ở khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ trong ngày hôm nay còn có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 1,0-2,0 mét. Biển động.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng cho các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định
Theo thống kê của Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây nguyên, mưa lũ gây thiệt hại nặng cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, đã làm 4 người chết, 3 người bị thương, 2 người mất tích. 36 nhà ở Bình Định bị sập đổ, 4 nhà ở Quảng Ngãi bị hư hỏng nặng. Về nông nghiệp, có 9.559ha lúa bị ngập, úng: 9.559ha; 1.948ha rau, hoa màu bị thiệt hại; 100.000 chậu hoa, cây cảnh bị hư hại. Có 20 con gia súc bị chết, 6.050 con gia cầm chết.
Mưa lớn khiến hàng ngàn hecta lúa mới gieo sạ của người dân bị ngập úng |
Về giao thông, thủy lợi, có 17,15km đường giao thông tỉnh, huyện, xã ở Quảng Ngãi bị sạt lở; 05 cái Đập bị sạt lở, hư hỏng ở Quảng Ngãi và 128 cái đập tạm, đập bối ở Bình Định bị hư hỏng; 1 Cầu lớn và 9 Cầu tạm ở Quảng Ngãi bị hư hỏng. Có 9.410 nhà bị ngập (Quảng Ngãi: 666 nhà; Bình Định: 8.744 nhà).
Đến sáng nay (3/12), tại Bình Định, đường lên các xã vùng cao và các cầu tràn ở Gò Dài, Bến Nhơn còn bị ngập. Đường giao thông nội bộ một số khu vực ở Bùi Thị Xuân, Phước Mỹ bị ngập, nước đang rút chậm.
Về công tác di dời, sơ tán dân của tỉnh Quảng Ngãi: đã di dời 260 hộ dân (huyện Nghĩa Hành: 215 hộ/645 khẩu; huyện Tư Nghĩa: 45 hộ); các xã Phổ Ninh, Phổ Thuận huyện Đức Phổ đang tổ chức di dời, sơ tán một số hộ dân vùng trũng, thấp xen ghép đến nơi an toàn.
Theo Đại tá Trần Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Định, từ ngày 30/11 đến ngày 2/12, Bộ CHQS tỉnh đã huy động gần 600 cán bộ, chiến sĩ để tiến hành di dời những hộ dân bị ngập sâu, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những khu dân cư bị cô lập. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh còn phối hợp với Lữ đoàn pháo binh 572 đưa lực lượng đến giúp khắc phục hậu quả lũ lụt tại xã Bok Tới và Ân Nghĩa (Hoài Ân); phối hợp với Lữ đoàn pháo phòng không 573 giúp gia cố một đoạn đê bị sạt lở trên địa bàn thị xã An Nhơn. Sau khi nước rút, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị quân đội của Quân khu, của Bộ đóng quân trên địa bàn để khắc phục hậu quả.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn về rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên sáng ngày 02/12 |
Sáng 02/12, Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT - Ủy ban quốc gia TKCN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 18 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nhằm rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực trong tháng 10 và 11/2006.
Theo Ban Chỉ đạo, từ giữa tháng 10 đến nay, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã có 4 đợt lũ lớn trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề. Thống kê ở các tỉnh, đã có 65 người chết và mất tích, 191.084 ngôi nhà ngập nước, trên 22.151 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng... tổng giá trị thiệt hại lên tới 7.198 tỉ đồng. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo công tác ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản và lưu ý các địa phương trong ứng phó thiên tai phải chủ động không để bị bất ngờ.
Đặc biệt lưu ý phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời với mọi tình huống khi thiên tai xảy ra. Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu: rà soát, điều chỉnh các quy định, xây dựng các cơ chế cụ thể và phù hợp hiệu quả giữa chính quyền địa phương với các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong quá trình vận hành điều tiết xã lũ; xử lý nghiêm các chủ hồ không tuân thủ quy trình vận hành xả lũ, không trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du.
Anh Dũng