Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hòa Bình cần tạo bước đột phá về KT-XH
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 19/11/2016
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình sáng 19/11. |
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - ông Nguyễn Văn Quang cho biết, trong 10 tháng năm 2016, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.420 tỷ đồng, bằng 95% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 84% so với Nghị quyết HĐND tỉnh; thu ngân sách địa phương ước đạt 7.351 tỷ đồng, bằng 98% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 94% so với Nghị quyết HĐND tỉnh. Lĩnh vực VHXH có nhiều chuyển biến tích cực, QPAN được giữ vững. Triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại và mở rộng quan hệ quốc tế….
Làm rõ thêm báo cáo của tỉnh, ông Bùi Văn Tỉnh - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nêu rõ: Tỉnh Hòa Bình có lợi thế tiếp giáp với thủ đô Hà Nội nằm trong quy hoạch vùng thủ đô có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp chất lượng cao, du lịch, vật liệu xây dựng.
Đảng bộ tỉnh đoàn kết thống nhất cùng chăm lo thực hiện mục tiêu phát triển theo định hướng phát triển chuyển đổi mạnh mẽ diện tích đất không hiệu quả, thực hiện cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây có thế mạnh có múi, phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển, thu hút đầu cơ các dự án phát triển du lịch, nông nghiệp chất lượng cao, gắn với xây dựng NTM…
Toàn cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình sáng 19/11. |
Mặc dù vậy tỉnh còn nhiều khó khăn về hạ tầng, nhiều vùng giao thông chia cắt, đời sống nhân dân các xã vùng hồ còn nhiều khó khăn rất cần được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành TƯ.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục rà soát, loại bỏ các văn bản cá biệt ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước; chỉ đạo sớm thực hiện các bước đầu tư thêm 02 tổ máy với tổng công suất khoảng 480MW cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình; quan tâm chỉ đạo bổ sung đủ vốn cho tỉnh theo Quyết định số 84/QĐ-TTg, ngày 19/01/2015 đã được phê duyệt; quan tâm, tạo điêu kiện đầu tư cho tỉnh xây dựng Bảo tàng Hòa Bình;
Hòa Bình cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí xử lý cấp bách chống hạn kè chống sạt lở, nạo vét khơi thông dòng chảy dòng sông Bôi; xây dựng cơ chế, bộ phận làm đầu mối điều phối và liên kết, hợp tác vùng trên các mặt theo Quyết định số 1064/QĐ-TTg, ngày 08/7/2013 đã phê duyệt...
Tại buổi làm việc các bộ, ngành TƯ đã trả lời, giáp đáp những kiến nghị, đề xuất của tỉnh đồng thời gợi mở những giải pháp hỗ trợ tỉnh Hòa Bình có sự phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng khi trở lại thăm tỉnh chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ về diện mạo hạ tầng KT-XH nhất là đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện. Ghi nhận và biểu dương những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH.
Nhấn mạnh những lợi thế và cơ hội phát triển của tỉnh có vị trí địa lý tương đối thuận lợi so với các tỉnh Tây Bắc; là tỉnh tiếp giáp và nằm trong vùng quy hoạch Thủ đô, có lợi thế trở thành vùng hậu cần, cung cấp hàng hóa nông sản, thực phẩm, dịch vụ cho Thủ đô, các tỉnh lân cận; có lợi thế về tài nguyên để phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng; có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn; đặc biệt tỉnh có sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ.
Tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng: Tỉnh Hòa Bình cũng đang gặp nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, chia cắt, đất manh mún. Quy mô kinh tế nhỏ nên tiềm lực nội tỉnh còn thấp; cơ cấu kinh tế vẫn mang yếu tố truyền thống, chưa có dịch chuyển đột phá theo hướng hiện đại. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.
Về những nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Tỉnh cần có sự đổi mạnh mẽ hơn trong tư duy, nhận thức và cách làm mới với những giải pháp, biện pháp cụ thể đặc trong bối cảnh hội nhập để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo ra bước đột phát về KT-XH. Tỉnh cần chặt chẽ với các bộ, ngành TƯ xây dựng chiến lược tổng thể về quy hoạch phát triển, nhất là về kết nối nông nghiệp với đô thị, tập trung mũi nhọn rõ nét hơn, kể cả sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, Ngành và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình phát lệnh khởi công cầu Hòa Bình 3 vào sáng 19/11. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Hòa Bình chú trọng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung với các sản phẩm thế mạnh như cam Cao Phong, mía tím, bưởi đổ, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát huy tiềm năng chăn nuôi thủy sản; khai thác tiềm năng phát triển và nâng cao các sản phẩm du lịch, dịch vụ, gắn với xây dựng NTM, đặc biệt phải nâng cao thu nhập cho cải thiện cuộc sống người dân.
Trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tỉnh cần thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân phát triển sản xuất kinh doanh làm nòng cốt của kinh tế địa phương. Đặc biệt phải tạo ra sự chuyển động của bộ máy chính quyền trong hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp đột phá về KT-XH.
Tiếp tục rà soát đánh giá toàn diện, thực chất tình trạng hộ nghèo làm cơ sở để đề xuất triển khai hiệu quả các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn miền núi. Quan tâm khai thác tốt hơn những lợi thế so sánh đặc thù, thực hiện những giải pháp hiệu quả, tạo bước chuyển mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng cũng đề nghị từ cán bộ lãnh đạo đến cán bộ viên chức trong hệ thống hành chính nêu gương thực hiện tiết kiệm chống lãng phí
Về đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì với Bộ Quốc phòng, Công thương, Tài chính, NN&PTNT... tháo gỡ cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương. Trong đó Thủ tướng đồng ý chủ trương Bổ sung Dự án sân golf, Dự án Nhà máy Xi măng Xuân Thiện; đầu tư đồng bộ các tuyến đường Quốc lộ; đẩy mạnh tiến độ triển khai Dự án đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình; hỗ trợ khoảng 350 tỷ đồng cho tỉnh thực hiện Dự án Kè chống sạt lở, chỉnh trị dòng chảy, nạo vét gia cố bờ sông Bùi, đoạn qua thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn. Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành T.Ư trình văn bản đề xuất các kiến nghị của tỉnh để xem xét, giải quyết sớm nhất trong thời gian tới…
Việt Hùng - Hải Ngọc