Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 03/11/2016
Tình hình mưa lũ vẫn đang diễn biến phúc tạp
Theo báo cáo nhanh của Chi cục phòng chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên ngày 3/11, tình hình mưa lũ đã gây thiệt hại 04 người chết, 01 người mất tích, 15 người bị thương; 09 nhà bị sập, 120 nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng, 18.864 nhà bị ngập; 200 ha hoa màu bị ngập, 3.182 gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.
Nhiều ngôi nhà ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) vẫn còn ngập nước |
Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình có 3 tàu cá nhỏ bị chìm, 1 tàu bị trôi vẫn đang tìm kiếm. Tàu ĐNa 0494/03 thuyền viên Quảng Trị do hỏng máy không khắc phục được đang neo đậu tại 16048’ VĐB, 107023’ KĐĐ (cách bờ biển xã Hải Khê, huyện Hải Lăng 3,8 hải lý về phía đông đông nam) chờ ứng cứu. Quảng Ngãi có 2 tàu lớn bị chìm.
Về giao thông, tại Quảng Bình các tuyến đường QL, ĐT còn ách tắt: QL 15 (ngập 02 điểm tại Km 553-Km 556); QL9B (tắt 01 điểm tại Km53 do sạt lở ta luy dương); ĐT 559 (ngập cục bộ từ Km13+500-Km 18+500); ĐT559B (ngập tại ngầm Km 46+900); ĐT562 (ngập 0,5 m từ Km5-Km 15m). Nhiều tuyến ĐH, liên xã, liên thôn vẫn còn ngập cục bộ tại các huyện Quảng Trạch, TX Ba Đồn, Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh.
Xã Đông Sơn, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn còn cô lập do sự cố 02 cầu treo nối vào xã (01 cầu bị trôi, 01 cầu bị hỏng). 10 tuyến đường giao thông huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) bị sạt lở 24 điểm, chiều dài sạt lở 5.200m.
Do lượng nước đổ về quá nhanh, nước trên sông Thu Bồn lên nhanh đã gây ngập nặng tại phố cổ Hội An ở đường Bạch Đằng, đường Hoàng Văn Thụ, sát mép tuyến đường Nguyễn Thái Học... Tại xã Đại Lãnh, Đại Hưng (huyện Đại Lộc) đã có một số tuyến đường vào thôn bị ngập và chia cắt. Trong khi đó, mưa lớn trong mấy ngày qua đã gây sạt lở nhiều tuyến đường lên các huyện vùng cao Nam Trà My, Đông Giang, Phước Sơn. Quốc lộ 40B lên huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá tràn xuống đường gây cô lập địa phương này.
11 tuyến đường liên xã, liên thôn tại hai huyện miền núi Hoài Ân và Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) bị sạt lở, gây chia cắt. Huyện Vĩnh Thạnh có 09 điểm với 04 cầu bị cuốn trôi/xói lở nghiêm trọng, gây tắt đường; 12 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở. Tuyến đường Vĩnh Kim-Vĩnh Sơn, đường ven hồ Định Bình thuộc huyện Vĩnh Thạnh bị sạt lở, chia cắt.
Tỉnh Ninh Thuận, đường ven biển đoạn Cà Ná đi Phước Dinh, huyện Thuận Nam có 4 điểm sạt lở rất nghiêm trọng và 24 điểm sạt lở nhỏ, đất đá sạt hết ra 2 bên lòng, lề đường. Tỉnh Ninh Thuận đã cấm ô tô lưu thông, đang xử lý.Tỉnh Kon Tum, ĐT 676 từ huyện Kon Plông về 2 xã Đăk Đrinh và Đăk Nên bị chia cắt do cầu tràn trên suối Đăk Chờ bị ngập. Cả 2 xã vùng sâu bị cô lập hoàn toàn.
Nhiều tuyến đường giao thông ở tỉnh Quảng Nam bị ngập sâu, giao thong chia cắt |
Dự báo lũ trên các sông ở Quảng Nam, từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai sẽ tiếp tục lên trong mấy ngày tới. Phổ biến ở mức báo động (BĐ) 1-BĐ2, có nơi trên BĐ2. Mưa to tiếp tục kéo dài toàn miền Trung do không khí lạnh tăng cường kết hợp gió đông trên cao, riêng từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi mưa rất to. Hiện 6/6 hồ chứa có cửa van ở Quảng Bình gồm Vực Tròn, Thác Chuối, Rào Đá, Phú Vinh, Phú Hòa, Sông Thai đang vận hành xả lũ. Tại Quảng Trị có 117/131 hồ có tràn tự do đầy nước và 2/11 hồ chứa có cửa van đang vận hành xả lũ. Các hồ có cửa van ở Thừa Thiên Huế đã kết thúc xả tràn, 3/55 hồ chứa tràn tự do đã đầy nước.
Lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum đang xuống, tình trạng ngập lụt trên địa bàn các tỉnh bắc miền Trung hiện đã giảm dần, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang cùng với người dân đã tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt.
Tại tỉnh Quảng Bình, các vùng bị ngập nặng như thị xã Ba Đồn, huyện Tuyên Hóa, huyện Quảng Trạch, hiện không còn xã nào bị chia cắt. Ngay trong chiều qua, người dân cũng khẩn trương tiến hành dọn dẹp nhà cửa, tẩy bùn trong nhà và đường sá. Trong đó, ưu tiên dọn bùn, lau chùi bàn ghế tại các trường học, giúp thầy cô giáo cùng các em học sinh sớm trở lại trường.
Tại tỉnh Quảng Trị, tình trạng mưa lũ đã giảm hẳn và người dân cũng tập trung dọn dẹp nhanh vệ sinh môi trường. Với phương châm “nước rút đến đâu khắc phục đến đó”, tỉnh Quảng Trị đã huy động hơn 700 cán bộ, chiến sĩ về giúp người dân huyện Cam Lộ khắc phục hậu quả lũ lụt.
Bộ đội giúp thầy cô giáo dọn dẹp trường lớp, để các em mau trở lại trường học |
Ban chỉ đạo TW về PCTT đã tổ chức Đoàn công tác kiểm tra ứng phó mưa lũ tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định từ ngày 3/11-6/11 do đồng chí Trần Quang Hoài, UVTT làm trưởng đoàn. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và theo dõi 24/24 diễn biến thời tiết đề phòng mọi khả năng.
Tiến hành xả nước các hồ chứa
Các hồ chứa của các tỉnh Bắc Trung Bộ có lượng nước trung bình đạt từ 70-90% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Tiên Lang 101% (Quảng Bình); Trung Chi 97%, Khe Mây 97% (Quảng Trị); Hòa Mỹ 101% (Thừa Thiên Huế). Tại Quảng Bình, tỷ lệ trữ trung bình đạt trên 90% so với DTTK; cơ bản các hồ chứa có tràn tự do đã đầy nước hoặc đang tràn; 2/6 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ (Rào Đá, Phú Hòa). Quảng Trị tỷ lệ trữ trung bình đạt 85% so với DTTK; có 117/131 hồ có tràn tự do đầy nước hoặc đang tràn. 4/11 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ (Bảo Đài, Ái Tử, Hà Thượng, Khe Mây).Tại Thừa Thiên Huế các hồ chứa trữ trung bình đạt 72% so với DTTK; 3/55 hồ chứa tràn tự do đã đầy nước; 01/9 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ (Châu Sơn).
Người dân Quảng Bình khẩn trương tiến hành dọn dẹp nhà cửa, tẩy bùn trong nhà và đường sá |
Các hồ chứa của các tỉnh Nam Trung bộ trung bình đạt từ 50- 70% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Thạch Bàn 113% (Quảng Nam); Hòn Lập 87% (Bình Định); Suối Trầu 113% (Khánh Hòa); Tân Giang 97% (Ninh Thuận); Cà Giây 108%, Sông Quao 98% (Bình Thuận).
Các hồ chứa trên 100 triệu m3 hiện đạt ở mức trung bình và thấp: Phú Ninh 221, 5/344 triệu m3 đạt 64%, Định Bình 163,5/226,13 triệu m3 đạt 72%, Núi Một 22,02/110 triệu m3 đạt 20%.
Các hồ chứa của các tỉnh Tây Nguyên Trung bình đạt từ 70-90% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Đắk Uy 90% (Kon Tum); Ia Hrung 102% (Gia Lai); Đạ Tẻ 124%, Đạ Hàm 104% (Lâm Đồng); Ea Soup Thượng 102% (Đăk Lăk)...
Các hồ chứa trên 100 triệu m3 đạt mức cao: Ayun hạ 224,6/253 triệu m3 đạt 89%, Ea Soup Thượng 149,2/146,94 triệu m3 đạt 102%, Krông Buk Hạ 106,6/109,34 triệu m3 đạt 98%.
Các thủy điện lớn tại Quảng Nam đồng loạt xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập |
Trong ngày 3/11, các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế (A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, Trả Trạch) và trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam (Sông Bung 4, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2) xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành liên hồ chứa theo lệnh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Thủy điện An Khê-Ka Nak trên lưu vực sông Ba xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành.
Tại Nhà máy thủy điện A Roàng mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở taluy dương, đất đá đã tràn vào nhà máy phát điện làm gián đoạn quá trình vận hành nhà máy. Hiện nhà máy và Bộ CHQS tỉnh đã điều động 70 cán bộ, chiến sĩ cùng vật tư, xe máy thiết bị để xử lý sạt lở. Đang bơm nước ngập trong nhà máy ra ngoài. Sạt lở không ảnh hưởng đến dân cư hạ du.
Bài và ảnh: Anh Dũng – Yến Nhi