Tài sản đấu giá là BĐS phải niêm yết ít nhất 15 ngày trước cuộc đấu giá

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 24/10/2016

(TN&MT) - Theo Dự thảo Luật Đấu giá tài sản mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý...  tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổchức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản. Ảnh:quochoi.vn

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, sáng nay 24/10, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản. Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đấu giá tài sản.

Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật đấu giá tài sản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung do Chính phủ trình; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 Chương và 81 Điều, trong đó rà soát, bổ sung các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật; rà soát, bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; bổ sung các hành vi nghiêm cấm; rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản, đấu giá viên và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên; bổ sung vào dự án Luật một cách tối đa các quy định tại văn bản dưới luật đã áp dụng có tính ổn định trong thời gian qua và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đấu giá chứng khoán phải theo pháp luật về chứng khoán

Qua rà soát, nghiên cứu văn bản pháp luật về chứng khoán thì chứng khoán là một loại sản phẩm tài chính được chuẩn hóa, có thể đại diện cho một phần hoặc toàn bộ một hoặc nhiều loại sản phẩm, có thể chào bán cho một hoặc nhiều người. Việc đấu giá chứng khoán hiện nay được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật như luật chứng khoán; luật doanh nghiệp; luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật .

Quốc hội đang thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đấu giá tài sản sáng 24/10. (Ảnh chụp qua màn hình. Ảnh: Việt Hùng)
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đấu giá tài sản sáng 24/10. (Ảnh chụp qua màn hình. Ảnh:Việt Hùng)

Việc đấu giá chứng khoán được tiến hành theo cách thức khác biệt hoàn toàn so với niêm yết tài sản thông thường như việc niêm yết chứng khoán phải có bản cáo bạch, công bố thông tin; trình tự, thủ tục đấu giá nghiêm ngặt, phải có tổ chức bảo lãnh phát hành; số lượng người tham gia có thể lên đến hàng nghìn người, hàng triệu chứng khoán có thể được giao dịch cùng một lúc.

Hơn nữa, việc đấu giá chứng khoán hoàn toàn được thực hiện trên sàn giao dịch điện tử hiện đại, thực hiện phiên khớp lệnh liên tục, đòi hỏi yêu cầu cơ sở hạ tầng và chuyên môn kỹ thuật cao mà điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị của các tổ chức đấu giá tài sản thông thường không thể đáp ứng được. Kinh nghiệm các nước trên thế giới đều quy định việc đấu giá chứng khoán được thực hiện theo pháp luật về chứng khoán, không áp dụng quy định về đấu giá tài sản nói chung...

Do vậy, việc dự thảo Luật đấu giá tài sản quy định việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán là phù hợp. Đối với tài sản nhà nước ở nước ngoài thì việc đấu giá phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, theo đó trường hợp tài sản nhà nước ở nước ngoài phải bán đấu giá thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật nước sở tại.

Niêm yết tài sản đấu giá trước cuộc đấu giá ít nhất 15 ngày

Về niêm yết việc đấu giá tài sản (Điều 34, dự thảo Luật Đấu giá tài sản), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định thời gian niêm yết chậm nhất 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá; quy định thống nhất nội dung niêm yết; đề nghị công khai, minh bạch thông tin trong việc bán hồ sơ đấu giá.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bỏ quy định niêm yết việc đấu giá tài sản tại nơi có bất động sản vì không phù hợp với thực tiễn, khó khả thi vì có một số bất cập trên thực tế như đối với tài sản là bất động sản có diện tích lớn, nằm ở khu vực dân cư thưa thớt hoặc vùng sâu vùng xa; đối với nhà ở là tài sản thi hành án thì người phải thi hành án thường không hợp tác, thậm chí có trường hợp dùng vũ lực đe dọa, ngăn cản không cho tổ chức đấu giá tài sản niêm yết.

“Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện như tại Điều 34 theo hướng thời gian niêm yết đối với bất động sản ít nhất là 15 ngày, động sản ít nhất là 7 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá và quy định những nội dung, địa điểm phải niêm yết phù hợp với thực tiễn…” - ông Vũ Hồng Thanh trình bày.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến với các quy định về đăng ký tham gia đấu giá (Điều 37); về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước (Điều 38); về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá (từ Điều 39 - Điều 43); về đấu giá không thành (Điều 52);  về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (Điều 56); về xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại (Chương VI)…

Điều 34. Niêm yết việc đấu giá tài sản

1. Tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản như sau:

a) Đối với tài sản là động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản nếu có, nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá;

b) Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá .

2. Niêm yết việc đấu giá tài sản có các nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ của tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá;

b) Thời gian, địa điểm đấu giá tài sản;

c) Tên tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá là quyền tài sản;

d) Giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong trường hợp công khai giá khởi điểm;

đ) Thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá;

e) Thời gian, địa điểm bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá;

g) Thời gian, địa điểm đăng ký tham gia đấu giá;

h) Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá.

3. Tổ chức đấu giá tài sản lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này trong hồ sơ đấu giá. Đối với trường hợp niêm yết tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đấu giá thì tổ chức đấu giá tài sản lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết hoặc lập văn bản có xác nhận về việc niêm yết của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đó.

4. Ngoài việc niêm yết quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, tổ chức đấu giá tài sản thực hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 57 của Luật này theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá.

Trích Dự thảo Luật Đấu giá Tài sản

 

Trong buổi sáng nay 24/10, Quốc hội đang thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đấu giá tài sản. Phóng viên Báo điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đế bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Việt Hùng - Hải Ngọc