Họp giao ban 3 Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 30/09/2016
(TN&MT) - Ngày 30/9, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra Hội nghị giao ban 3 Ban Chỉ đạo (BCĐ): Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Tham dự Hội nghị có Thượng tướng Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng BCĐ Tây Nguyên), ông Nguyễn Văn Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng BCĐ Tây Bắc), ông Sơn Minh Thắng (Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã tham dự Hội nghị.
Thượng tướng Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng BCĐ Tây Nguyên) phát biểu tại Hội nghị |
Hội nghị giao ban năm 2016 do BCĐ Tây Nguyên đăng cai tổ chức nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về những nội dung chủ yếu như: đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của 3 Ban từ sau Hội nghị được tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 7/2015; đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp ổn định dân cư, giải quyết vấn đề di cư tự do trên địa bàn 3 vùng; trao đổi, thảo luận về vấn đề liên kết vùng và vai trò của các BCĐ trong việc tham mưu tổ chức, điều phối liên kết phát triển kinh tế vùng; đề xuất kiến nghị một số vấn đề nhằm cũng cố tổ chức, bộ máy và đảm bảo điều kiện hoạt động của các BCĐ.
Ông Nguyễn Văn Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng BCĐ Tây Bắc) phát biểu tại Hội nghị. |
Theo ông Điểu Kré - Phó trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nguyên, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất cả về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái. Vì vậy, công tác bảo đảm an ninh chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân tại 3 vùng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự ổn định và phát triển đất nước. Mặc dù phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn lâu dài về an ninh chính trị do âm mưu, thủ đoạn kích động, chống phá của các thế lực thù địch nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Trung ương và Chính phủ, các vùng đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, ngày càng đưa tình hình chính trị vào ổn định.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đến tham dự và phát biểu tại Hội nghị |
Về kinh tế, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về tình hình chung và thời tiết diễn biến phức tạp nhưng giá trị tổng sản phẩm (GRDP) tại 3 vùng vẫn duy trì mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người từng bước được thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Nhờ nguồn vốn huy động đầu tư toàn xã hội cả 3 vùng tăng nhanh nên tình hình thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến. Kinh tế có bước phát triển đáng kể, đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế đất nước. An sinh xã hội được tập trung chăm lo, công tác giáo dục - đào tạo được tiếp tục quan tâm đầu tư và công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không ngừng được cải thiện.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tham dự Hội nghị. |
Tuy nhiên, hiện cả 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều khó khăn chung như: quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhỏ, yếu, chưa đáp ứng được hội nhập; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện nhưng chưa đồng bộ, hạn chế sự phát triển; nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và giải quyết đầu ra cho nông sản; áp lực dân di cư tự do lên kinh tế - xã hội các vùng; tài nguyên rừng, đất đai, nguồn nước ở 3 vùng đều suy giảm nhanh chóng, dẫn đến những hậu quả lâu dài về môi trường sinh thái, là nguyên nhân làm cho khí hậu biến đổi cực đoan…
Theo ông Nguyễn Văn Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng BCĐ Tây Bắc), trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, chức năng nhiệm vụ, vai trò của các BCĐ chưa được phân định rõ ràng, thậm chí trùng chéo với một số bộ, ban ngành Trung ương. Trong khi đó, vai trò trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hiệu quả, hiệu lực còn quá khiêm tốn. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Bình đã có những đề xuất, kiến nghị điều chỉnh bộ máy chỉ đạo; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn; biên chế, luân chuyển, cũng như chế độ, chính sách đối với cán bộ các BCĐ.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban 3 Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ |
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cho rằng cần có quy chế phối hợp làm việc giữa các BCĐ với cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa 3 vùng còn khó khăn nhất cả nước từng bước đi lên, phát huy thế mạnh, tiến kịp các vùng khác trong cả nước. Tiềm năng, lợi thế của 3 vùng là khác nhau nên cần có cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình cụ thể của từng vùng. Có giải pháp liên kết giữa nông dân với các thành phần kinh tế khác như gắn kết tiêu thụ, đầu ra cho nông dân, hạn chế việc cạnh tranh lẫn nhau giữa các tỉnh có lợi thế giống nhau... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định liên kết vùng là xu thế tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội và cần phải thực hiện sớm.
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các vấn đề liên quan tài nguyên môi trường các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đặc biệt lưu tâm đến vấn đề suy kiệt tài nguyên nước, tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường quốc doanh và biến đổi khí hậu xảy ra tại 3 vùng trong thời gian qua. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng kiến nghị các bộ ngành trung ương, các BCĐ và các địa phương đặc biệt lưu tâm đến việc bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên đất, tài nguyên nước và quan tâm nhiều hơn tới vấn đề môi trường, xử lý chất thải nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đại diện BCĐ Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ ký kết thỏa thuận phối hợp thông tin tuyên truyền giai đoạn 2016 - 2020 với lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam |
Kết luận Hội nghị giao ban, Thượng tướng Tô Lâm đánh giá cao những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng mà 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã đạt được trong thời gian qua. Ngoài những đóng góp trong thời gian qua, các BCĐ cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, dân tộc, tôn giáo và xây dựng hệ thống chính trị.
Thượng tướng Tô Lâm cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Thượng tướng lưu ý các BCĐ và các địa phương tập trung xử lý những vấn đề nổi cộm, nóng bỏng liên quan đến đất đai, môi trường và biến đổi khí hậu. Các BCĐ cần kịp thời nắm tình hình, phân tích những hạn chế, bất cập và có giải pháp triển khai thực hiện như tập trung vào áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ thống chính trị, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững... Ngoài ra, việc thực hiện liên kết phát triển kinh tế vùng, tập trung vào quy hoạch vùng, thực hiện liên kết phát triển du lịch, phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm… cũng cần được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.
Lãnh đạo BCĐ Tây Nguyên trao quà lưu niệm cho đại diện 3 BCĐ và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến. |
Cũng trong chương trình Hội nghị giao ban, trước sự chứng kiến của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện lãnh đạo BCĐ Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã ký kết thỏa thuận phối hợp tuyên truyền với đại diện lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam. BCĐ Tây Nguyên và lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam cũng đã trao quà những mòn quà lưu niệm ý nghĩa cho các BCĐ.
Bài & ảnh: Lê Phước