Công bố kết quả điều tra ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 26/08/2016

(TN&MT) - Sáng 26/8, tại TP Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trương biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế sau sự cố cá chết hàng loạt vừa qua. Cùng tham gia hội nghị có đại diện các Bộ, ban ngành, các nhà khoa học và lãnh đạo tỉnh, huyện, thị xã, xã, phường thị trấn ven biển và TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh)...

Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung trong tháng 4.2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan; đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; các đơn vị khoa học công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam… và các địa phương liên quan triển khai quan trắc đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển trường tại vùng  biển 4 tỉnh miền Trung.

Biển đã sạch và an toàn, hải sản đã ăn được hay chưa còn chờ Bộ Y tế

Báo cáo kết quả điều tra của Bộ TN&MT sau sự cố môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung: Trên cơ sở kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5, 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh đối chiếu với QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển cho thấy diễn biến chất lượng nước biển về cơ bản các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Coliform, nhất các thông số như sắt, tổng phenol và xyanua là nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường cũng giảm xuống đáng kể và nằm trong ngưỡng cho phép.

n
GS.TS Mai Trọng Nhuận (Đại diện cho Tổ điều tra của Bộ TN&MT về hiện trạng môi trường biển miền Trung).

Cụ thể, đối với sắt, kết quả quan trắc ban đầu (tháng 5/2016), có 3.8% số mẫu vượt giới hạn cho phép, đến tháng 6/2016 chỉ còn 1.8% số mẫu vượt giới hạn cho phép, tuy nhiên giá trị vượt không nhiều và chủ yếu là mẫu tầng đáy. Đối với hàm lượng cyanua thì trong tháng 5/2016 giao động từ 0.002-0.1 mg/l, lớn hơn nhiều so với tháng 6/2016 và nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng thông số phenol, đến thời điểm hiện nay (8/2016) đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Về chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, theo kết quả giám sát liên tục của các địa phương thì từ đầu tháng 5/2016 đến nay đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Không chỉ chất lượng nước biển mà chất lượng trẩm tích biển cũng có xu hướng giảm rõ rệt theo thời gian. Tại các khu vực Sơn Dương (Hà Tĩnh), cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế) do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, một số thông số môi trường cao hơn so với khu vực khác nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên.

Việc đánh giá màng bám hệ keo sắt hấp thụ các độc tố phenol, cyanua… được thực hiện tại 9 khu vực có rạn san hô và các dạng nền đáy khác vào tháng 5/2016 cho thấy, hàm lượng phenol trong màng bám hệ keo sắt có giá trị cao, giao động trong khoảng 3.80-7.79ppm, trong đó khu vực hòn Sơn Dương và Hải Vân là những khu vực có hàm lượng phenol cao nhất. Tuy nhiên, đến tháng 7/2016 lớp màng bám này đã giảm đáng kể. Trên nên đáy bùn và đáy cát hầu như không còn phát hiện được lớp màng bám này.

Theo kết quả phân tích hệ sinh thái của 3.156 mẫu vật vào tháng 7/2016 cho thấy không còn hiện tượng san hô bị tẩy trắng. Trên rạn san hô đã thấy hiện tượng san hô phục hồi tự nhiên từ những tập đoàn đã bị chết từng phần và ấu trùng san hô bắt đầu định cư và phát triển trên nền đáy rạn.

Một trong những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm sau khi công bố kết quả biển đã sạch và an toàn, dư luận chờ đợi câu trả lời về việc: Người dân đã yên tâm ăn hải sản được chưa? GS.TS Mai Trọng Nhuận - ĐH Quốc gia Hà Nội (Tổ trưởng tổ điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường biển sau thảm họa môi trường) cho biết: “Có thể khẳng định đến thời điểm hiện tại nước biển đã sạch và an toàn cho các hoạt động dưới biển như bơi lội, nuôi trồng thủy hải sản…Đây là vấn đề do Bộ TN&MT phụ trách và đã công bố. Còn người dân có thể yên tâm ăn hải sản được chưa, chưa thể thể trả lời vì việc này thuộc về Bộ Y tế công bố…”

Cũng theo GS.TS Mai Trọng Nhuận thì độc tố trong hải sản là do quá trình tích lũy, và cũng có thể theo thời gian tự giảm dần và mất đi. Vì thế, để trả lời thắc mắc của dư luận đã ăn hải sản được chưa thì cần phải chờ thêm kết quả từ cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Giám sát chặt chẽ nguồn thải từ Formosa

Mặc dù biển đã có dấu hiệu hồi sinh rất tích cực, tuy nhiên, các Bộ, cơ quan ban ngành cần tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ khu vực miền Trung. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục các hoạt động quan trắc, giám sát môi trường biển, đặc biệt là giám sát chặt chẽ nguồn thải từ Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác, phối hợp với tỉnh để giám sát việc khắc phục sự cố và thực hiện cam kết của công ty Formosa. Hiện tại, đang tiến hành lập dự án và chuẩn bị triển khai lắp đặt Trạm quan trắc tự động độc lập tại Khu kinh tế Vũng Áng. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng thành lập Tổ công tác để kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và thực hiện các cam kết của Công ty Formosa.

n
Các đại biểu về dự hội nghị công bố kết quả điều tra về hiện trạng môi trường biển

Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu Công ty Formosa sớm chuyển đổi công nghệ sản xuất từ luyện cốc ướt sang luyện cốc khô. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát môi trường 24/24 giờ. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu Công ty Formosa lắp đặt thiết bị lấy mẫu tự động quan trắc bổ sung 8 thông số, hoàn thành việc lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải được 9/9 ống khói theo báo cáo ĐTM được duyệt.

Vấn đề về chất lượng và giải pháp làm sạch môi trường biển

Tại hội nghị, nhiều câu hỏi được các đại biểu đưa ra, chủ yếu là vấn đề về chất lượng môi trường biển và giải pháp sớm trả lại môi trường biển trong sạch.

Trả lời câu hỏi: Để dẫn đến sự cố môi trường như thế, Formosa đã dùng bao nhiêu tấn hóa chất? Vì sao sự cố xả thải lại dẫn đến thảm họa môi trường? Theo TS Trịnh Văn Tuyên (Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường) do Formosa luyện than cốc để làm ra thép nên mức độ gây ô nhiễm lớn hơn rất nhiều so với cán từ phôi sang thép vì thường thì chất lượng than kém, chất ô nhiễm trong than có hàm lượng lưu huỳnh cao. Hiện nay, Formosa đã nhập, nuôi cấy xong chế phẩm vi sinh và bắt đầu phát huy hiệu quả.

Nói về việc vai trò của các nhà khoa học trong việc làm sạch biển, TS Trịnh Văn Tuyên cho biết: Môi trường biển có cơ chế tự làm sạch. Các nhà khoa học sẽ giám sát để môi trường biển không tiếp tục bị thải ra những chất gây ô nhiễm.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Quá trình điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung ngoài các bộ, ngành Trung ương còn có sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế đến từ các nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Kết quả đã được công bố mang tính khách quan, khoa học và trung thực.

Liên quan đến câu hỏi các quy chuẩn của Việt Nam có tương đồng với quốc tế hay không? ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh, các quy chuẩn của Việt Nam được xây dựng từ thực tiễn khách quan về công tác bảo vệ môi trường và khi xây dựng các quy chuẩn Bộ TN&MT đều tham khảo các quy chuẩn của các nước trên thế giới. Đối với quy chuẩn về phát thải ngành công nghiệp có các mức hàm lượng tương đồng với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

“Đối với kiểm soát phát thải của Formosa ra biển, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập đoàn giám sát để giám sát toàn bộ quy trình xả thải của Formosa, yêu cầu Formosa thực hiện nghiêm cam kết đã ký với Bộ TN&MT và khắc phục toàn bộ sự cố môi trường do Formosa gây nên. Hiện tại có 6 cán bộ trực tiếp giám sát tại Formosa trong đó có 3 cán bộ của Bộ TN&MT và 3 cán bộ của tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 22/7/2016 có lắp thêm hai trạm quan trắc tự động. Đến thời điểm này, việc xả thải của Formosa ra môi trường chúng ta đã kiểm soát được dưới mức cho phép”, ông Hoàng Văn Thức cho biết thêm.

                                                                                 

Bài và ảnh: Đức Cảnh - Tâm Đan