Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 24/08/2016

(TN&MT) - Sáng 24/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam,Trịnh Đình Dũng cùng các Bộ trưởng: Mai Tiến Dũng, Trần Hồng Hà và Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị trực tuyến về bảo vệ môi trường với lãnh đạo 63 tỉnh thành trong cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sáng 24/8
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sáng 24/8

Tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có: lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Về phía Bộ TN&MT dự hội nghị còn có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Tổng cục, các Cục, Vụ trực thuộc…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam cùng các Bộ trưởng: Trần Hồng Hà, Mai Tiến Dũng chủ trì Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng cùng các Bộ trưởng: Mai Tiến Dũng, Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra phức tạp với nhiều sự cố nghiêm trọng gây bất ổn xã hội. Nhiều điểm nóng môi trường đã xảy ra.

Thủ tướng cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường bùng phát gần đây là do tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển, giờ bắt đầu bộc lộ. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra ở các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề diễn ra trên diện rộng chứ không chỉ một vài điểm. Nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường tạo ra những điểm nóng về trật tự xã hội.

B
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trình bày Báo cáo Thực trạng và các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Từ thực tế đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi kinh tế lấy môi trường để gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân. Theo đó, Thủ tướng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để giải quyết vấn đề. Thực trạng môi trường đặt ra những thách thức, bộc lộ sự yếu kém trong quản lý mà chưa có giải pháp giải quyết cơ bản ở các địa phương cũng như cơ quan trung ương.

Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc họp quan trọng này là để tạo nhận thức rõ hơn, có hành động cụ thể hơn để cải thiện về tình hình môi trường ở Việt Nam. “Chính phủ đã chỉ đạo công tác này trong nhiều năm qua, nhiều tháng qua, nhưng đây vẫn là vấn đề nan giải. Trước tình hình này, hôm nay, Chính phủ tổ chức quyết định tổ chức cuộc họp này để làm rõ vấn đề trên…” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (bên phải) tham dự Hội nghị
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (bên phải) tham dự Hội nghị

Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh thành qua hội nghị này đánh giá thực chất tình trạng ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực để nhận định rõ hơn những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến thực trạng hiện nay, đặc biệt là những yếu kém về hệ thống cơ quan quản lý nhà nước ngành từ trung ương đến địa phương và các cơ quan chức năng liên quan.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ điểm hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường. Thủ tướng phân tích: Việt Nam là nước đang phát triển, chậm phát triển, có nhiều vấn đề đặt ra về công nghệ, thách thức với quá trình phát triển và bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ý kiến thảo luận tại đầu cầu 63 tỉnh thành cần đặc biệt tập trung vào những biện pháp trước mắt, lâu dài để giải quyết vấn đề, để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

“Chúng ta cứ nói thẳng sự thật, nêu thẳng sự thật và đóng góp cho các cơ quan nhà nước về giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tham dự hội nghị
Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tham dự hội nghị

Thủ tướng cũng yêu cầu, sau cuộc họp này, Bộ TN&MT, Văn phòng Chính phủ soạn thảo chỉ thị đến các địa phương để báo cáo cấp uỷ, các sở ngành liên quan để có chế tài hợp lý tiếp tục cải thiện vấn đề môi trường.

Ngay sau phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trình bày Báo cáo Thực trạng và các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo TP.HCM phát biểu trực tuyến (Ảnh chụp qua màn hình)
Lãnh đạo TP.HCM phát biểu trực tuyến (Ảnh chụp qua màn hình)

Trong báo cáo của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Phải tiếp tục quán triệt quan điểm bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; huy động có hiệu quả sự tham gia và sức mạnh của toàn xã hội, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các nước trên thế giới vào công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Trong thời gian tới, cần chú trọng nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, khắc phục ngay những chồng chéo trong phân công, phân cấp, bảo đảm phù hợp với năng lực của từng cấp, từng ngành.

Toàn cảnh đầu cầu từ Văn phòng Chính phủ
Toàn cảnh đầu cầu từ Văn phòng Chính phủ

Người đứng đầu ngành TN&MT cũng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trên một số lĩnh vực của hoạt động quản lý nhà nước như truyền thông về bảo vệ môi trường cũng như trong việc cung cấp các dịch vụ công về môi trường. Cần có ngay chiến lược vận động tài trợ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

“Phải khắc phục ngay tư tưởng chạy theo các lợi ích trước mắt về kinh tế mà hy sinh những lợi ích lâu dài về môi trường; phải xác lập một hệ thống các tiêu chí ưu tiên về bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Kiên quyết nói “không” với những loại hình sản xuất, dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm môi trường…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Một số kiến nghị của Bộ TN&MT với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường

1. Xem xét, ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương, có tiến độ hoàn thành và định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

2. Kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội:

- Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới; trong đó, chú trọng xây dựng các tiêu chí sàng lọc, tiếp nhận các dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

- Chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, ngành liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong công tác quy hoạch, quản lý chất thải, công nghệ môi trường.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình lớn có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời, chỉ đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

- Quan tâm tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường bảo đảm yêu cầu trong giai đoạn mới, đặc biệt là có cơ chế phù hợp và tăng chi ngân sách cho các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn thực hiện Chương trình quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016 - 2020.

3. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường thực hiện quyền phản biện, giám sát, tham gia quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

4. Chỉ đạo với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Bảo đảm bố trí không dưới 1% ngân sách của địa phương chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường; tăng cường theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn chi này một cách hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chi đúng mục tiêu và đủ kinh phí theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước.

b) Quan tâm chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực cho các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường tại địa phương; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tuyển chọn cán bộ có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý môi trường.

c) Rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rủi ro xảy ra sự cố môi trường và có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, phòng ngừa các sự cố môi trường bằng các biện pháp kỹ thuật - công nghệ phù hợp, kết hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng này.

d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của địa phương; tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng năng lực ứng phó với sự cố môi trường, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường.

Hội nghị đang tiếp tục diễn ra với phần tham luận của lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Phóng viên Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn có mặt trực tiếp tại đầu cầu Chính phủ sẽ cập nhật đến bạn đọc những thông tin mới nhất của Hội nghị trong các bản tin tiếp theo.

Bài & ảnh:Việt Hùng