Yêu cầu Bộ TN&MT hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về đẩy mạnh BVMT trình Thủ tướng ký ban hành vào đầu tuần tới
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 24/08/2016
(TN&MT) - Ngày 24/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Tham dự có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến. Hội nghị nhằm giúp các bộ ngành, địa phương nhận thức rõ hơn, đặc biệt có cách làm phù hợp hơn để xử lý một bước tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần làm ngay việc kiểm soát chặt chẽ việc xả thải ra môi trường!
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về bảo vệ môi trường ngày 24/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh một số việc cần làm ngay để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết, phải giải quyết được quan hệ giữa bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế-xã hội và phát triển kinh tế-xã hội nhưng phải bảo đảm môi trường.
“Không thể vì kinh tế để ảnh hưởng môi trường, nhưng cũng không chỉ vì môi trường mà không phát triển kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ: TN&MT, Xây dựng, Công Thương chỉ đạo phối hợp với các địa phương để rà soát lại tất cả các quy hoạch có liên quan đến bảo vệ môi trường như quy hoạch khu kinh tế, công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch làng nghề, quy hoạch xây dựng nông thôn mới … để bổ sung đầy đủ các trạm xử lý nước thải, các nhà máy xử lý chất thải rắn, các điểm xử lý chất thải độc hại, quy hoạch nghĩa trang...
“Bên cạnh đó, xác định lại các vị trí xả thải, đặc biệt là các điểm xả thải ra môi trường. Chú ý bố trí các điểm xả thải ra môi trường thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát tiêu chuẩn về nước thải”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần khẩn trương xây dựng bản đồ chi tiết các vị trí sạt lở nguy hiểm ở vùng trung du miền núi khi xảy ra mưa lũ, từ đó quy hoạch việc di dời người dân, xây dựng kế hoạch đầu tư ngắn, trung và dài hạn để cân đối vốn đầu tư.
Yêu cầu kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh. Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương và đơn vị liên quan để kiểm tra, đánh giá lại tác động môi trường của tất cả các dự án đã được cấp phép, đang triển khai hay đang chuẩn bị đầu tư, từ đó kịp thời phát hiện những dự án không phù hợp để có biện pháp xử lý kịp thời.
“Cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, trong đó coi việc bảo đảm vệ sinh môi trường là điều kiện bắt buộc để cấp phép. Bộ KH&CN cần có các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ công nghệ của các dự án đầu tư, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng nói.
Để xử lý hiệu quả chất thải, cần thiết phải đầu tư các cơ sở xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Bộ KH&ĐT phối hợp với các Bộ: TN&MT, Xây dựng, Công Thương, Y tế chỉ đạo phối hợp với các địa phương căn cứ quy hoạch các cơ sở xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải độc hại để xây dựng kế hoạch đầu tư. Trong đó, xác định rõ các công trình cần làm ngay, các công trình đầu tư trọng điểm, các công trình đầu tư dài hạn để cân đối nguồn lực, huy động nguồn lực từ xã hội. Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ kỹ thuật trong nước.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu việc cần làm ngay là kiểm soát chặt chẽ việc xả thải ra môi trường. Bộ TN&MT phối hợp chặc chẽ với các địa phương và bộ, ngành liên quan kiểm tra các trạm xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trước khi cho phép hoạt động.
Đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ đang hoạt động mà có xả thải ra môi trường, nhất thiết phải được quản lý bằng hệ thống quan trắc nối mạng để kiểm soát hoạt động 24/24 giờ. Kiên quyết xử lý, thậm chí đóng cửa các cơ sở vi phạm.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra các vi phạm môi trường. Lực lượng thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường cần xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra để bảo đảm các yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các vi phạm nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc đề xuất, xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường, đồng thời xây dựng cơ chế để huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trong giờ giải lao Hội nghị |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về môi trường trong phạm vi quản lý được giao!
Kết luận Hội nghị, cho rằng bảo vệ môi trường không còn là vấn đề của tương lai mà là vấn đề hiện hữu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo là huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để tạo chuyển biến căn bản trong ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi ô nhiễm môi trường.
Cho rằng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu dẫn tới thực trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng lưu ý cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương chưa phát huy đúng vai trò, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, còn phổ biến tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ bảo vệ môi trường. Việc phát hiện, xử lý các vụ việc ô nhiễm còn chậm, chủ yếu là qua báo chí và nhân dân.
“Vừa qua, chúng ta có tình trạng môi trường xấu bắt nguồn từ mô hình phát triển lấy tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm dựa trên nền tảng công nghệ tiêu tốn năng lượng, lạm dụng quá mức tài nguyên, không gian môi trường. Thực sự chúng ta chưa lường hết yếu tố phức tạp về loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất tiềm ẩn rủi ro, sự cố môi trường”, Thủ tướng nói.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới. Trước hết phải thay đổi tư duy phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường phải được xác định là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển.
“Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường. Không cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, nhất là dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường ở các vùng nhạy cảm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước về bảo vệ môi trường. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường trong phạm vi quản lý được giao. Ở đâu xảy ra môi trường ô nhiễm nặng, Chủ tịch UBND ở đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ.
“Chúng ta đã nói về tình trạng bắn chỉ thiên mà không ai chịu trách nhiệm thì lần này các đồng chí phải phát hiện ra, chỉ rõ ai chịu trách nhiệm vấn đề này trên địa bàn, dự án ai cấp giấy phép để môi trường xấu như vậy, chủ trương, biện pháp khắc phục làm sao. Chứ chúng ta cứ nói mãi mà không ai chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh tinh thần chủ động, không để “nóng đâu phủi đó”, chạy theo những vụ việc xảy ra rồi mới đi giải quyết.
Điều quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ việc xét duyệt, triển khai dự án và kiểm soát khi sự cố môi trường xảy ra. Đặc biệt phải làm rõ trách nhiệm cơ quan phê duyệt về vấn đề môi trường của dự án đầu tư. “Nhân đây, tôi hoan nghênh một số địa phương đã từ chối một số dự án gây ô nhiễm môi trường”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm tổng thể về kiểm tra giám sát thực thi luật pháp về bảo vệ môi trường. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể kiểm tra trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm nghiêm túc nhưng không chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính phối hợp xây dựng cơ chế thực hiện ký Quỹ bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào vận hành thử nghiệm đối với các dự án lớn có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, tiềm ẩn rủi ro.
Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có chức năng đề xuất cơ chế đột phá để đi liền với thu hút đầu tư, cho phép doanh nghiệp được khai thác nguồn thu trực tiếp theo nguyên tắc “gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền”, người được hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí. Tăng cường huy động nguồn lực thu hút đầu tư cho bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực. Đồng thời rà soát, chấn chỉnh, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp bảo vệ môi trường.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các tỉnh, rà soát quy hoạch xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tại các địa phương, các khu vực kinh tế trọng điểm nơi có dự án lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đưa ra tiêu chí môi trường cụ thể trong xét duyệt công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiến tới triển khai việc đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường các địa phương từ năm 2017; khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường.
Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định của các luật đã ban hành từ Luật Bảo vệ môi trường, đầu tư, xây dựng, khoa học công nghệ theo hướng đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bảo vệ môi trường.
Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp. Các Bộ Nội Vụ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đề xuất việc thành lập Ủy ban ứng phó tình trạng khẩn cấp trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan liên quan hiện có. Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng nghiên cứu, có đề xuất cụ thể các giải pháp để phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có chương trình thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo các địa phương phải quán triệt Nghị quyết 24 của Trung ương để có Nghị quyết chuyên đề ở địa phương mình.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về đẩy mạnh bảo vệ môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào đầu tuần tới.
Việt Hùng - Hải Ngọc (tổng hợp)