Tăng cường kiểm soát các nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 21/07/2016

(TN&MT) - Ngày 21/7, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Tới dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài và đông đảo các cán bộ, công chức, người lao động trong toàn Tổng cục.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội nghị

 

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài phát biểu
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài phát biểu

Theo báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2016, Tổng cục đã đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường, tích cực, chủ động khẩn trưởng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng và dư luận. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã tiếp nhận và kịp thời xử lý 20 điểm nóng về môi trường.

Với mục đích kịp thời ngăn chặn ô nhiễm môi trường nước đang ngày càng gia tăng, trong thời gian gần đây, Tổng cục đã tiến hành thống kê, rà soát, tổng hợp các nguồn thải ra biển và cửa sông ven biển có lượng từ 1000 m3/ ngày đêm trở lên tại 26 tỉnh/ thành ven biển. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ kinh doanh dịch vụ thải ra sông, biển có khối lượng  nước thải từ 200 m3/ ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra diện rộng. Kết quả, Tổng cục đã rà soát được trên 1.300 cơ sở, đang phối hợp với Thanh tra Bộ để điều chỉnh, bổ sung danh sách các cơ sở nêu trên vào Kế hoạch thanh tra năm 2016 để tiếp tục triển khai trong thời gian 6 tháng cuối năm.

Toàn cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả các công cục, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thời gian tới Tổng cục sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát các dự án, cơ sở có hoạt động xả thải ra sông, ra biển. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguồn xả nước thải lớn ra vùng ven biển và các lưu vực sông, xây dựng quy định bắt buộc các nguồn thải lớn phải có hồ sinh học đảm bảo yêu câu quản lý xả thải. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng cục chú trọng trong thời gian tới đó là việc tiếp tục các công tác đánh giá thiệt hại môi trường do sự cố môi trường gây ra đối với môi trường biển, hệ sinh thái và xây dựng các đề xuất xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường biển khu vực các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Trong đó, Tổng cục sẽ tập trung vào các nội dung như hoàn thiện kết luận thanh tra toàn diện Công ty Formosa Hà Tĩnh, dự thảo quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với công ty trong đó đề xuất rõ mức xử phạt và các hình thức bổ sung, kế hoạch giám sát thực hiện, lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan. Tổng cục sẽ triển khai thực hiện Đề án “Khắc phục hậu quả đối với môi trường do sự cố môi trường gây ra tại các tỉnh miền Trung”, trong đó tập trung vào hoạt động điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm và sự suy thoái của hệ sinh thái, tài nguyên sinh vật do sự cố môi trường gây ra tại vùng biển ven bờ 4 tỉnh miền Trung. Đồng thời, Tổng cục sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất ban hành kế hoạch ứng phó quốc gia các sự, cố thảm họa môi trường, thành lập Ủy ban Quốc gia ứng phó với tình huống khẩn cấp, trong đó có những tình huống khẩn cấp quốc gia liên quan đến môi trường, thiên tai.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, thời gian tới Tổng cục Môi trường cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao. Việc xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục phải tinh gọn phát huy hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp quản lý đầy đủ, rõ ràng có tính ổn định lâu dài và có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác.  Thời gian tới Tổng cục tiếp tục tạo cơ chế chính sách và đầu tư cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường đủ về số lượng, chất lượng, nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý,  đảm bảo khẳ năng ứng phó và kịp thời xử lý các tình huống xảy ra. Tổng cục cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra để đấu tranh ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, phát huy hơn nữa vai trò điều phối công tác bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương.

Nguyễn Cường