Xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 01/07/2016
(TN&MT) – Ngày 30/6, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 5375/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình quản lý nhà nước khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên phạm vi toàn quốc năm 2015.
ảnh minh họa |
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là đối với cát, sỏi lòng sông.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ liên quan và hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các giải pháp quản lý nhà nước về khoáng sản.
Bộ Giao thông vận tải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 73/2013/QĐ-TTg ngày 27/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2016.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền đã phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh cho giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010.
Những năm gần đây, tình hình khai thác trái phép khoáng sản, cát sỏi tại các lòng sông diễn biến hết sức phức tạp, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Ảnh minh họa |
Lý giải những tồn tại trên, các chuyên gia môi trường cho rằng, nguyên nhân là do lợi nhuận lớn nên các đối tượng cố tình vi phạm; có nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng (khai thác vào ban đêm, tổ chức cảnh giới, lợi dụng giấy phép nạo vét lòng sông, sử dụng lao động là hộ nghèo...); hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu, chưa đồng bộ; việc kiểm tra bắt giữ tàu hút cát ở trên sông, cửa biển tiềm ẩn nhiều phức tạp, đối tượng manh động chống đối bằng nhiều cách...
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, công tác phòng, chống hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông và cửa biển của lực lượng chức năng thuộc các Bộ, ngành và địa phương đã kiềm chế tình hình vi phạm, góp phần quan trọng trong việc thực hiện quy định của pháp luật và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên sông và cửa biển vẫn còn rất phức tạp, chưa được xử lý triệt để, nhất là tại các địa bàn giáp ranh chưa xác định địa giới hành chính trên sông hoặc xác định chưa rõ ràng giữa các địa phương như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Phú Thọ; Bà Rịa – Vũng Tàu, T.P Hồ Chí Minh, Đồng Nai... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự. Để chấm dứt tình trạng trên cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của nhiều cơ quan, đơn vị nhằm xử lý nghiêm hoạt động khai thác trái phép này.
PV