Xác định sai phạm ban đầu của công ty titan gây vỡ bờ moong ở Bình Thuận
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 18/06/2016
Bộ TN&MT đã cử các chuyên gia khẩn trương vào hiện trường cùng với tỉnh Bình Thuận và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý sự cố |
Như Báo điện tử baotainguyenmoitruong.vn đã đưa tin, chiều tối 16/6/2016, Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số: 2380/BTNMT-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Tổng cục Môi trường thông tin về sự cố Hồ chứa nước đãi ti tan của Công ty TNHH Tân Quang Cường ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận bị vỡ.
Ngay sau chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tối 16/6/2016, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã giao Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam chủ trì, phối hợp với Cục Môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận kiểm tra tình hình khắc phục sự cố; xác định nguyên nhân; việc tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản của Công ty Tân Quang Cường tại mỏ titan suối Nhum (theo Giấy phép khai thác số 1019/GP- BTNTM ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)…
Những nhận định kiểm tra ban đầu
Sáng 18/6/2016, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Ngày 17/6, đoàn kiểm tra do Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam - ông Nguyễn Như Quỳnh dẫn đầu đã cùng Cục Môi trường miền Nam, Lãnh đạo Sở TN&MT, đại diện Sở Công Thương Bình Thuận tiến hành kiểm tra thực địa từ 10 h cho đến 14h cùng ngày.
Các khu vực được Đoàn kiểm tra khảo sát gồm: khu vực khai thác, trong đó có moong xảy ra sự cố; khu vực vườn gần khu vực khai thác, tuyến đường ĐT 719 và khu vực xung quanh bị ảnh hưởng do sự cố gây ra. Sau đó đoàn đã làm việc với Công ty ở Văn phòng tại mỏ để thu thập thêm tài liệu liên quan.
Đoàn công tác Bộ TN&MT trực tiếp khảo sát tại hiện trường sáng 18/6 |
Sau khi kiểm tra, qua nhận định ban đầu, khu vực bị vỡ bờ moong là do Công ty mở vỉa, đào hố tại vị trí có địa hình cao (sườn đồi) tại cote +69m, cao hơn địa hình mặt đường ĐT.719 khoảng 50m xung quanh là bờ cát...và thiếu sự theo dõi, kiểm tra lượng nước Công ty Tân Quang Cường bơm từ ngoài vào lòng moong để phục vụ hoạt động khai thác làm xảy ra sự cố là tràn nước, vỡ vách moong tạo thành dòng áp lực lớn đẩy nước và cát trong hồ chảy tràn xuống khu vực thấp phía Đông, sau đó đổ ra biển.
Về kết quả khắc phục sự cố đến thời điểm kiểm tra, ở khu vực 02 bên đường ĐT.719 nơi có cát chảy tràn không có dân cư sinh sống, chủ yếu là đất do địa phương quản lý có hiện trạng trồng dương, cây điều và cây mọc tự nhiên nên mức độ ảnh hưởng không lớn.
Ngoài ra, sau khi sự cố xảy ra, Công ty đã chủ động, khẩn trương tập trung thiết bị máy móc, nhân lực gồm: 01 xe xúc lật, 02 xe múc, 05 xe ben, 01 xe bơm nước rửa đường, khoảng 40 công nhân của Công ty Tân Quang Cường và Lực lượng Dân quân, Công an xã Thuận Quý, Bộ đội biên phòng để san ủi cát tràn ra đường và điều tiết giao thông; các Sở, ngành và địa phương cũng đã kịp thời có mặt tại hiện trường trước 06 giờ 30 ngày 16/6/2016 để chỉ đạo Công ty thực hiện.
“Kết quả đến khoảng 06h30 cùng ngày thì giao thông đã hoạt động bình thường; đến 11h00, đoạn đường bị cát phủ đã được xử lý, phun nước rửa sạch cát trên đường và tiếp tục xử lý cát phủ hai bên hành lang tuyến đường, quán ăn của bà Trần Thị Nam; đến 16h00 đã cơ bản khắc phục cát chảy tràn trên đường, còn tiếp tục khắc phục trong sân vườn và khu vực gần bờ biển…” - báo cáo nêu rõ.
Sau khi để xảy ra sự cố, Công ty Tân Quang Cường cũng đã có văn bản cam kết đền bù thiệt hại về sân vườn, cây cảnh, xe máy, ao cá, và một số vật dụng bàn, ghế trong quán ăn của nhà bà Trần Thị Nam là 700 triệu. Đối với với diện tích trồng Phi Lao của hộ dân Trần Văn Đức, bị ảnh hưởng nằm quy hoạch diện tích đất khai thác của Công ty, nên Công ty đang tiến hành bồi thường thiệt hại về cây trồng.
“Hôm nay 18/6, đoàn sẽ tiếp tục khảo sát nhà dân bị ảnh hưởng, thiệt hại do sự cố gây ra. Kết quả kiểm tra thực địa; xem xét tài liệu, hồ sơ có liên quan và làm việc trực tiếp với Công ty Tân Quang Cường…” - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam ông Nguyễn Như Quỳnh cho hay.
Đoàn công tác Bộ TN&MT lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người dân bị thiệt hại trong buổi khảo sát tại hiện trường sáng 18/6 |
Chưa có Giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định
Qua kiểm tra, đoàn công tác của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định: Tại thời điểm kiểm tra Công ty đang khai thác tại 03 vị trí với 03 moong có tổng diện tích khoảng 06 ha, vị trí các moong khai thác phù hợp với thiết kế mỏ được phê duyệt và đều nằm trong diện tích khu vực đã được cấp phép khai thác. Tuy nhiên hoạt động khai thác titan - zircon của Công ty tại khu vực này còn những tồn tại, thiếu sót.
Cụ thể: Quá trình chuẩn bị và khai thác đã để xảy ra sự cố vỡ bờ moong chứa nước tại vị trí moong khai thác số 1A vào sáng ngày 16/6/2016, moong 1A có diện tích khoảng 03 ha ở độ cao địa hình từ 60 - 70m và cao hơn mặt đường nhựa ĐT.719 ven biển khoảng 50m, gây sói lở một khối lượng lớn hỗn hợp cát, nước chảy tràn xuống khu đất sân vườn và nhà ở của nhà bà Trần Thị Nam và xuống đường tỉnh lộ ĐT.719 chảy ra biển;
Dòng cát, nước chảy tràn trên diện tích khoảng 02ha, chiều dày lớp cát khoảng 0,4m gây tràn lấp đường ĐT.719 với chiều dài khoảng 290m làm ách tắc giao thông hơn 01 giờ; một lượng lớn cát và nước còn chảy xuống bờ biển làm đục nước biển ven bờ với chiều dài khoảng 500m, rộng khoảng 50m. Tổng khối lượng cát chảy tràn trên diện tích khoảng 02ha nêu trên ước tính khoảng gần 10.000 m3. Nguyên nhân ban đầu được xác định như đã nêu trên.
Ban đầu, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định một số sai phạm của Công ty TNHH Tân Quang Cường trong quá trình khai thác quặng titan - zircon tại khu vực Nam Suối Nhum như sau:
Chưa ký hợp đồng thuê đất để khai thác khoáng sản theo quy định; Chưa đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ và ngày bắt đầu khai thác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định; Chưa nghiệm thu và xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường trước khi đưa dự án vào hoạt động theo quy định; Chưa cắm và bàn giao mốc giới khu vực được cấp phép khai thác với chính quyền địa phương theo quy định; Chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng nước mặt theo quy định; Chưa có Giấy phép xả thải vào nguồn theo quy định.
Ngày 20/6 sẽ có báo cáo và xin chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác tại mỏ để xử lý dứt điểm sự cố, đảm đảm an toàn, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và khắc phục xong các tồn tại thiếu sót nêu trên. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo Trưởng đoàn kiểm tra, căn cứ vào các sai phạm cụ thể và quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản và bảo vệ Môi trường. Đoàn kiểm tra sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. “Hiện nay, đoàn kiểm tra đang tiếp tục làm việc tại Bình Thuận. Dự kiến Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ có báo cáo chính thức chi tiết, đồng thời đề nghị các hình thức xử lý để ngày 20/6/2016 trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo ra quyết định xử lý theo các quy định của pháp luật” - Báo cáo sơ bộ ban đầu của kiến Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nêu rõ. |
Báo điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục tình hình mới nhất về vụ việc trong các bản tin tiếp theo.
Việt Hùng - Hải Ngọc