Kiên Giang: Tập trung kiểm soát mặn và giữ nước ngọt

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 17/05/2016

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư các công trình thiết yếu kiểm soát mặn xâm nhập vào nội địa, đồng thời tăng cường tích trữ...

 

Sáng 17/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tiếp tục thị sát tại một số công trình ngăn hạn, mặn tại tỉnh Kiên Giang và làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm cống ngăn mặn, thoát lũ Sông Kiên ở TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm cống ngăn mặn, thoát lũ Sông Kiên ở TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Tại công trình cống ngăn mặn, thoát lũ Sông Kiên ở cửa biển TP. Rạch Giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, các công trình cống ngăn mặn sẽ có vai trò rất lớn cho Kiên Giang nói riêng và các tỉnh khác trong vùng ngăn chặn, kiểm soát được nước biển xâm nhập, đồng thời có thể xả lũ đẩy ngập mặn ra khỏi nội địa.

Tại cuộc họp với các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh vấn đề quan trọng với Kiên Giang hiện nay là kiểm soát mặn và tích trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp.

“Để làm được thì phải có hệ thống đê biển và cống kiểm soát mặn. Bên cạnh các công trình cấp thiết của tỉnh, các bộ, ngành cần ưu tiên sắp xếp bố trí vốn đầu tư các dự án cống kiểm soát mặn có tính liên vùng như cống Cái Lớn và xem xét xây dựng cơ chế điều phối nguồn nước, kiểm soát mặn. Đi liền với đó là khơi dậy tập quán tích trữ nước ngọt trong dân ở ao, hồ như những năm trước để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất”, Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý trong xử lý các công trình kiểm soát hạn, mặn, tỉnh Kiên Giang phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để gia tăng giá trị sản xuất, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi thích ứng với hạn, mặn. Hiện nay giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh Kiên Giang chỉ đạt 60 triệu đồng/ha, thấp hơn nhiều so với chỉ số bình quân của cả nước đang là 83 triệu đồng/ha.

Để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu triệt để ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh quy hoạch lại đất sản xuất; tính toán việc gieo cấy lúa 3 vụ hay 2 vụ/năm và sử dụng các giống lúa chất lượng cao, nhân rộng các tổ hợp tác, mô hình sản xuất hợp tác xã gắn với doanh nghiệp để tiêu thụ hiệu quả nông, thủy sản.

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lê Hồng cho biết, dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, bao gồm cả công trình cống và đường dẫn nối cho các phương tiện lưu thông. Toàn tỉnh cần đầu tư khoảng 30 cống như thế này với quy mô khác nhau. Tỉnh đã bố trí được nguồn xây dựng 14 cống. Số còn lại, tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét đưa vào phân bổ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn để sớm hoàn thành, khắc phục khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Thực tế, Kiên Giang là tỉnh có sản lượng lương thực lớn nhất (4,6 triệu tấn) và dân số đứng thứ 2 toàn vùng, nhưng lại là tỉnh chịu hạn, mặn nhiều nhất của vùng ĐBSCL.

Vừa qua, toàn tỉnh đã thiệt hại hơn 56.500 ha diện tích lúa vụ Mùa và Đông Xuân. Con tôm vốn sống được ở khu vực nước lợ, nhưng nay vì mặn xâm nhập, nên có 13.000 ha mặt nước tôm cũng không sống được. Thiệt hại từ sản xuất nông nghiệp đã kéo giảm tăng trưởng của ngành này xuống -11% trong 4 tháng đầu năm.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Trong năm nay mà không có hệ thống cống kiểm soát mặn và độ ngọt thì vẫn có thể thiệt hại vì mặn quá sức chịu đựng của con tôm”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngoài việc đầu tư các dự án cống kiểm soát mặn trên địa bàn, cần phải ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các dự án cống kiểm soát, ngăn mặn cho các tỉnh khác trong khu vực như cống Cái Lớn, cống Cái Bé. Do tổng vốn đầu tư cho các công trình này lớn, trên 2.000 tỷ đồng, nên cần được ưu tiên bố trí vốn đầu tư tại kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.

Đồng tình với ý kiến tập trung xây dựng cống ngăn mặn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Trần Minh Thống cho biết: “Nếu thời gian qua không làm đập ngăn mặn kịp thời thì nước mặn đã xâm nhập tới tận An Giang. Hiện toàn vùng đã thiệt hại 4.000 tỷ đồng vì hạn, mặn. Bến Tre bị xâm mặn nên cây trái không bảo đảm chất lượng, không tổ chức được cả lễ hội trái cây thường niên”...

Theo Chinhphu.vn