Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang báo cáo Quốc hội việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 21/03/2016
Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường xin trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đến bạn đọc.
Chiều 21/3, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã trình bày báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia. |
Kính thưa Quốc hội!
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tôi xin trình bày báo cáo về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.
Sau 5 năm thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia theo Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22/11/2011 của Quốc Hội khóa 13 đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý đất đai từng bước đi vào nề nếp, sử dụng đất đai hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng còn có những hạn chế và phát sinh các vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trong giai đoạn mới. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương lập phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia, Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Quốc Hội như sau:
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN ĐỂ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT, LẬP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT CẤP QUỐC GIA
1. Cơ sở pháp lý
Theo quy định tại Điều 46 Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất được điều chỉnh khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia được xây dựng dựa trên các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Một số chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đã có sự điều chỉnh, bổ sung tại Đại hội XII của Đảng, đặt ra yêu cầu cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng cho việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia được lập theo quy định của Luật Đất đai 2003, có một số nội dung chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013. Do đó, Luật Đất đai 2013 (khoản 1 Điều 51) đã quy định: đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành thì phải rà soát, điều tra bổ sung để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với quy định của Luật này khi lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2016-2020).
2. Kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
2.1. Về tổ chức chỉ đạo một số giải pháp thực hiện Nghị quyết của Quốc hội
Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra trong Nghị quyết của Quốc hội, cụ thể như sau:
- Chính phủ đã xây dựng trình Quốc Hội ban hành Luật Đất đai năm 2013 và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai kịp thời, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kịp thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cho 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh; ban hành các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp; về quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiêp, cụm công nghiệp; rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng.
- Thủ tướng Chính phủ phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, quyết định về việc đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai; phê duyệt đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành quản lý đất đai.
- Về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc rà soát, sửa đổi các nội dung quy định của các văn bản hướng dẫn theo hướng cải cách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
- Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra: Chính phủ đã ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
2.2. Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết của Quốc hội
a) Nhóm đất nông nghiệp
Đến năm 2015, tổng diện tích các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp là 26.791,58 nghìn ha, tăng 565,19 nghìn ha so với năm 2010, kết quả thực hiện một số loại đất trong nhóm đất nông nghiệp như sau:
- Đất trồng lúa: Theo Nghị quyết của Quốc Hội, trong 5 năm (2011 - 2015), diện tích đất trồng lúa được giảm 169,18 nghìn ha. Kết quả thực hiện đến năm 2015 cả nước có 4.030,75 nghìn ha, giảm gần 90 nghìn ha so với năm 2010, so với chỉ tiêu được Quốc hội cho phép thì diện tích đất trồng lúa vẫn nằm trong giới hạn cho phép giảm.
- Đất rừng phòng hộ: Theo Nghị quyết của Quốc Hội, trong 5 năm (2011-2015), diện tích đất rừng phòng hộ phải tăng thêm 30,53 nghìn ha và đạt 5.826 nghìn ha vào năm 2015. Kết quả thực hiện đến năm 2015 cả nước có 5.648,99 nghìn ha, thấp hơn so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội là 177,01 nghìn ha.
- Đất rừng đặc dụng: Năm 2015, cả nước có 2.210,25 nghìn ha đất rừng đặc dụng, tăng 71,05 nghìn ha; cơ bản đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội. Diện tích đất rừng đặc dụng tăng chủ yếu do thành lập mới và mở rộng một số khu bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đặc thù; bảo tồn quỹ gen, đa dạng sinh học.
- Đất rừng sản xuất: Năm 2015, cả nước có 7.840,91 nghìn ha đất rừng sản xuất, tăng 409,11 nghìn ha (do khoanh nuôi, trồng mới rừng) từ đất chưa sử dụng và chuyển đổi nội bộ 3 loại rừng; cơ bản đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (7.917 nghìn ha).
- Đất nuôi trồng thuỷ sản: Giai đoạn 2011 - 2015, đất nuôi trồng thuỷ sản được bổ sung 59,28 nghìn ha từ đất trồng lúa bị nhiễm mặn, đất rừng và đất chưa sử dụng. Năm 2015 diện tích đất nuôi trồng thủy sản có 749,11 nghìn ha, cơ bản đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội.
- Đất làm muối: Giai đoạn 2011-2015, đất làm muối chuyển đổi sang các loại đất khác là 1,16 nghìn ha; năm 2015, cả nước có 16,70 nghìn ha đất làm muối, cao hơn gần 2 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội.
b) Nhóm đất phi nông nghiệp
Năm 2015, diện tích các loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp là 4.049,11 nghìn ha, tăng 399,02 nghìn ha so với năm 2010, kết quả thực hiện một số loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp như sau:
- Đất quốc phòng: Năm 2015, cả nước có 252,52 nghìn ha đất quốc phòng, đạt 67,88% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội.
- Đất an ninh: Năm 2015, cả nước có 56,58 nghìn ha đất an ninh, đạt 72,38% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội.
Việc giảm diện tích đất quốc phòng, đất an ninh là do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã phối hợp với địa phương rà soát, chỉ đưa vào những công trình thực sự cần thiết, một phần diện tích chuyển trả cho các địa phương để sử dụng vào mục đích dân sự.
- Đất khu công nghiệp: Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2015, diện tích đất khu công nghiệp phải đạt được 130 nghìn ha. Kết quả thực hiện đến hết năm 2015, diện tích đất khu công nghiệp có 103,32 nghìn ha, tăng thêm 31,33 nghìn ha so với năm 2010, đạt 79,48% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội.
- Đất giao thông: Năm 2015, diện tích đất giao thông có 691,18 nghìn ha, tăng 91,65 nghìn ha so với năm 2010, do xây dựng, nâng cấp, cải tạo trên 4,5 nghìn km đường quốc lộ, 70 nghìn km đường giao thông nông thôn,…
- Đất thủy lợi: Năm 2015, diện tích đất thủy lợi có 391,46 nghìn ha, tăng 18,58 nghìn ha so với năm 2010 (bình quân 3,72 nghìn ha/năm). Đất thủy lợi tăng do xây dựng và hoàn thiện trên 200 công trình thuỷ lợi lớn (xây dựng mới được khoảng 100 công trình), trên 1.000 km kênh trục lớn, …
- Đất cơ sở văn hoá: Năm 2015, diện tích đất cơ sở văn hoá có 19,62 nghìn ha, tăng 4,25 nghìn ha so với năm 2010, cao hơn 2,23 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (17,39 nghìn ha).
- Đất cơ sở y tế: Năm 2015, diện tích đất cơ sở y tế có 8,20 nghìn ha, tăng 2,42 nghìn ha so với năm 2010, cao hơn 0,69 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (7,51 nghìn ha).
- Đất cơ sở giáo dục - đào tạo: Năm 2015, diện tích đất cơ sở giáo dục - đào tạo có 50,34 nghìn ha, tăng 9,12 nghìn ha so với năm 2010; tuy nhiên vẫn còn thấp hơn 14,76 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (65,10 nghìn ha).
- Đất cơ sở thể dục - thể thao: Năm 2015, diện tích đất cơ sở thể dục - thể thao có 21,45 nghìn ha, tăng 5,17 nghìn ha so với năm 2010; tuy nhiên vẫn còn thấp hơn 5,99 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (27,44 nghìn ha). Trong đó có 9,27 nghìn ha đất làm sân golf với 58 sân golf thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Đất di tích, danh thắng: Năm 2015, cả nước có 26,53 nghìn ha đất di tích, danh thắng tăng 9,21 nghìn ha so với năm 2010, cao hơn 2,53 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (24 nghìn ha).
- Đất bãi thải, xử lý chất thải: Năm 2015, cả nước có 12,26 nghìn ha đất bãi thải, xử lý chất thải, tăng 4,39 nghìn ha so với năm 2010, thấp hơn 3,74 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (16,00 nghìn ha).
c) Nhóm đất chưa sử dụng: Trong 5 năm qua (2011-2015) cả nước đã khai thác đưa vào sử dụng 875,88 nghìn ha đất chưa sử dụng (hiện nay cả nước còn 2.288 nghìn ha), trong đó chủ yếu cho mục đích khoanh nuôi phục hồi rừng và trồng rừng.
II. ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT KỲ CUỐI (2016-2020) CẤP QUỐC GIA
1. Quan điểm
- Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển các lĩnh vực hạ tầng then chốt.
- Đảm bảo hợp lý quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây dựng đô thị, phát triển công nghiệp, dịch vụ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Đảm bảo đủ quỹ đất để thiết lập, duy trì và quản lý hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi, điện lực, nguồn nước, di tích lịch sử-văn hóa.
- Quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến ven biển đảm bảo tính kết nối liên vùng, phát huy được thế mạnh của khu vực ven biển, khai thác hợp lý quỹ đất ven biển.
- Cho phép chuyển đổi diện tích đất nông - lâm nghiệp bị nhiễm mặn, hạn hán, ngập lụt sang mục đích khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
2. Mục tiêu
- Đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
- Duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
- Bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm đất đai sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngày càng cao.
3. Phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất
a) Nhóm đất nông nghiệp
Đến năm 2020 diện tích nhóm đất nông nghiệp là 27.038,09 nghìn ha, tăng 306,33 nghìn ha so với Nghị quyết của Quốc Hội, trong đó một số loại đất trong nhóm đất nông nghiệp như sau:
- Đất trồng lúa: Theo Nghị quyết của Quốc Hội, giai đoạn 2016 - 2020 đất trồng lúa được phép giảm 218,31 nghìn ha (trong đó, đất chuyên trồng lúa nước được phép giảm 53,47 nghìn ha).
Trên cơ sở xem xét, cân đối kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu của các địa phương, đến năm 2020 đất trồng lúa của cả nước còn 3.760,39 nghìn ha, giảm 270,36 nghìn ha so với năm 2015 (giảm 52,04 nghìn ha so với Nghị quyết của Quốc Hội). Trong đó, đất chuyên trồng lúa nước là 3.128,96 nghìn ha, giảm 146,42 nghìn ha so với năm 2015 (giảm 92,95 nghìn ha so với Nghị quyết của Quốc Hội). Ngoài ra, trong 3.760,39 nghìn ha đất trồng lúa, cho phép khoảng 400 nghìn ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng được bảo vệ, không làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại được, nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa.
- Đất rừng phòng hộ: Năm 2015, diện tích rừng phòng hộ có 5.648,99 nghìn ha, trong đó có khoảng 3.939 nghìn ha rừng tự nhiên, trên 626 nghìn ha rừng trồng, còn lại là diện tích đất khoanh nuôi, quy hoạch để trồng rừng.
Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ bảo vệ nghiêm ngặt khoảng trên 4.400 nghìn ha diện tích rừng hiện có; phục hồi và trồng mới khoảng 240 nghìn ha. Trong đó, khu vực ven biển sẽ bảo vệ 310 nghìn ha đất có rừng, phục hồi gần 10 nghìn ha và trồng mới 46 nghìn ha rừng phòng hộ ven biển để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các khu vực rất xung yếu và xung yếu. Đồng thời, giai đoạn này chuyển khoảng 100 nghìn ha rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng để thành lập các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan.
Trên cơ sở điều tra, đánh giá chung về rừng phòng hộ, giai đoạn 2016- 2020 sẽ chuyển khoảng 1.100 nghìn ha là diện tích đất quy hoạch để trồng, khoanh nuôi rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu để phát triển rừng sản xuất thuộc các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng một cách bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần giải quyết việc thiếu đất sản xuất của người dân, đồng thời từng bước khắc phục tình trạng di cư tự do không kiểm soát được như hiện nay.
- Đất rừng đặc dụng: Đến năm 2020 cả nước có 176 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích 2.462,31 nghìn ha, trong đó có 2.358,87 nghìn ha đất rừng đặc dụng, tăng 87,67 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội, còn lại 103,44 nghìn ha mặt nước ven biển, núi đá và đất khác ngoài lâm nghiệp được quy hoạch vào hệ thống các khu rừng đặc dụng.
- Đất rừng sản xuất: Đến năm 2020, diện tích đất rừng sản xuất là 9.267,94 nghìn ha, điều chỉnh tăng 1.135,82 nghìn ha so chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội, do một phần diện tích rừng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất, đồng thời tăng diện tích khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới hệ thống rừng sản xuất.
- Đất nuôi trồng thuỷ sản: Đến năm 2020 đất nuôi trồng thủy sản là 767,96 nghìn ha (chiếm 2,84% diện tích đất nông nghiệp), tăng 78,13 nghìn ha so với năm 2010 và điều chỉnh giảm 22,04 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội.
- Đất làm muối: Trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm kỳ đầu, định hướng phát triển sản xuất muối, đề nghị đến năm 2020 diện tích đất làm muối sẽ còn 14,50 nghìn ha, điều chỉnh giảm 0,28 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội để chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
b) Nhóm đất phi nông nghiệp
Đến năm 2020 diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 4.780,24 nghìn ha, giảm 100,08 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội, trong đó một số loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp như sau:
- Đất quốc phòng: Đến năm 2020 diện tích đất quốc phòng của cả nước là 340,96 nghìn ha, điều chỉnh giảm thêm 47,07 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (388,03 nghìn ha) do rà soát, xác định lại nhu cầu sử dụng đất quốc phòng.
- Đất an ninh: Đến năm 2020 đất an ninh của cả nước là 71,14 nghìn ha, điều chỉnh giảm 10,70 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (81,84 nghìn ha) do rà soát, xác định lại nhu cầu sử dụng đất an ninh.
- Đất khu công nghiệp: Chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội đến năm 2020, là 200 nghìn ha. Sau khi cân đối giữa kết quả thực hiện, nhu cầu của các địa phương và kết quả rà soát, điều chỉnh các khu công nghiệp, Chính phủ đề xuất đến năm 2020 đất khu công nghiệp là 191,42 nghìn ha (giảm 8,59 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội).
- Đất giao thông: Đến năm 2020, đất giao thông của cả nước sẽ là 779,10 nghìn ha (không bao gồm diện tích đất hành lang giao thông), tăng 87,91 nghìn ha so với năm 2015 và cao hơn 22,10 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (757,00 nghìn ha).
- Đất thủy lợi: Đến năm 2020, đất thủy lợi của cả nước sẽ là 436,54 nghìn ha, tăng 22,71 nghìn ha so với năm 2015 và cao hơn 3,54 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (433,00 nghìn ha), đất thủy lợi tăng thêm chủ yếu để xây dựng hệ thống đê biển nhằm chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Đất cơ sở văn hoá: Đến năm 2020 sẽ là 27,82 nghìn ha, cao hơn 7,39 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (20,43 nghìn ha).
- Đất cơ sở y tế: Đến năm 2020 sẽ là 10,98 nghìn ha, cao hơn 0,91 nghìn ha so với chỉ tiêu của so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (10,07 nghìn ha).
- Đất cơ sở giáo dục - đào tạo: Đến năm 2020 sẽ là 68,48 nghìn ha, thấp hơn 13,31 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (81,77 nghìn ha).
- Đất cơ sở thể dục - thể thao: Đến năm 2020 sẽ có 46,81 nghìn ha, cao hơn 2,05 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (44,76 nghìn ha). Trong số 46,81 nghìn ha đất cơ sở thể dục - thể thao có 10,98 nghìn ha thuộc 96 sân golf. Việc quy hoạch phát triển sân golf chủ yếu tại các khu vực đất có chất lượng kém, đất cát, đất chưa sử dụng; không sử dụng vào đất trồng lúa, đất màu, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
- Đất di tích, danh thắng: Đến năm 2020 đất di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh là 35,19 nghìn ha, cao hơn 7,47 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (27,72 nghìn ha).
- Đất bãi thải, xử lý chất thải: Đến năm 2020 đất bãi thải, xử lý chất thải sẽ là 21,91 nghìn ha, tăng 9,65 nghìn ha so với năm 2015 và cao hơn 0,97 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (20,94 nghìn ha). Trong đó, có 55 ha đất để xử lý chất thải phóng xạ hạt nhân.
c) Nhóm đất chưa sử dụng
Trong 5 năm tới (2016-2020), tập trung đầu tư cải tạo, khai thác thác đưa vào sử dụng 977,64 nghìn ha đất chưa sử dụng cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp; đến năm 2020 diện tích đất chưa sử dụng của cả nước còn 1.310,36 nghìn ha, giảm 172,92 nghìn ha so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc Hội (1.483,28 nghìn ha).
d) Chỉ tiêu quy hoạch một số loại đất sử dụng đa mục đích
Đây là ba chỉ tiêu mới theo quy định của Luật Đất đai 2013, các chỉ tiêu này được khoanh định theo không gian sử dụng, có tính tổng hợp, trong mỗi chỉ tiêu có nhiều loại đất khác nhau. Ba chỉ tiêu mới này được quy hoạch như sau:
- Đất khu công nghệ cao: Đến năm 2020 cả nước có 3 khu công nghệ cao với diện tích là 3,63 nghìn ha.
- Đất khu kinh tế: Đến năm 2020 cả nước sẽ có 42 khu kinh tế, gồm 16 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu, với tổng diện tích 1.582,97 nghìn ha.
- Đất đô thị: Đến năm 2020 đất đô thị của cả nước sẽ là 1.941,74 nghìn ha, tăng 299,32 nghìn ha so với năm 2015 (riêng đất ở tại đô thị có 199,13 nghìn ha, chiếm 10,25% đất đô thị, bình quân có 50m2 đất ở tại đô thị/người).
(Kết quả chi tiết về thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015 và phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 được thể hiện tại Phụ lục I và Phụ lục II).
4. Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020)
Trên cơ sở phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) được xây dựng phân theo từng năm và trình bày tại Phụ lục III.
III. GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để quy hoạch sử dụng đất đươc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, Chính phủ đã xác định 06 nhóm giải pháp, gồm:
1. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, như: Chính sách về tài chính đất đai; chính sách đất đai đối với nông nghiệp, phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế; phát triển đô thị, hạ tầng.
2. Nhóm giải pháp về sử dụng đất, như: Sử dụng đất trồng lúa; đất lâm nghiệp; đất khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế; đất đô thị.
3. Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, như: Ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong việc lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
4. Nhóm giải pháp về quản lý, giám sát, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, như: Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý các vi phạm trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
5. Nhóm giải pháp về đào tạo, như: Đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
6. Nhóm giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cải tạo và bảo vệ đất, như: Khuyến khích khai hoang, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển trồng rừng ngập mặn ven biển.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chính phủ sẽ chỉ đạo, sớm phân khai các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia cho các địa phương; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện tốt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh trình Chính phủ phê duyệt. Phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp với phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, xây dựng tiêu chí để chuyển rừng phòng hộ ít xung yếu, kém chất lượng sang rừng sản xuất; điều chỉnh quy hoạch đất trồng lúa; điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan; xây dựng các chính sách nhằm tăng cường khả năng thu hút đầu tư vào phát triển của các ngành.
5. Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân đối vốn đầu tư để tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020). Cân đối bố trí kinh phí để tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất đai theo đúng quy hoạch, kế hoạch.
6. Các Bộ, ngành có liên quan: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Tổ chức lập, trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020); chỉ đạo, bố trí đủ kinh phí để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
- Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng sử dụng đất sai mục đích, không theo quy hoạch.
- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khuyến khích, đầu tư, bảo vệ, sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả.
V. KIẾN NGHỊ
1. Về đất trồng lúa: Theo tính toán, với 3.760,39 nghìn ha đất trồng lúa thì diện tích gieo trồng lúa hàng năm là trên 7 triệu ha; với năng suất bình quân khoảng 60 tạ/ha thì sản lượng lúa đạt 42 triệu tấn/năm, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc Hội biểu quyết thông qua diện tích đất trồng lúa cấp quốc gia đến năm 2020 là 3.760,39 nghìn ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 3.128,96 nghìn ha. Trong 3.760,39 nghìn ha đất trồng lúa, có khoảng 400 nghìn ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng được bảo vệ để không làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa.
2. Về đất rừng phòng hộ: Nhằm phát triển kinh tế rừng một cách bền vững, góp phần giải quyết việc thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giải quyết vấn đề di cư tự do; đồng thời bố trí cây trồng một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu phòng hộ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đề nghị Quốc Hội biểu quyết thông qua cho chuyển 1.100 nghìn ha diện tích đất quy hoạch để trồng, khoanh nuôi rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu để phát triển rừng sản xuất.
Trên đây là tóm tắt những nội dung chủ yếu của Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia, Chính phủ trình Quốc Hội xem xét quyết định.