Hội nghị Quy hoạch ĐBSCL thích ứng với BĐKH
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 23/02/2016
(TN&MT) - Đây là hội nghị do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức, chính thức khai mạc sáng nay (23/2/2016).
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Chu Phạm Ngọc Hiển và bà Catharina Nienke Trooster – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, cùng Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - Đào Anh Dũng, đồng chủ trì Hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các bộ ngành, các địa phương vùng ĐBSCL và các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam cùng các chuyên gia về qui hoạch đồng bằng của Vương quốc Hà Lan.
ĐBSCL đang chịu tác động “kép”
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Chu Phạm Ngọc Hiển, một lần nữa khẳng định tần quan trọng của ĐBSCL. Với 18 triệu người, tổng diện tích trên 40.000km2, lượng gạo xuất khẩu chiếm khoảng 1/5 tổng lượng gạo thương mại quốc tế, cung cấp gạo cho hàng triệu người tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Hội nghị. |
Tuy nhiên, ĐBSCL đang chịu các tác động “kép” do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và do các hoạt động xây đập, khai thác và sử dụng nước không bền vững của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông. Nhiều nơi trong vùng ĐBSCL đã và đang chịu nhiều thiệu hại nặng nề do thiên tai. Rõ nhất là tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng tới gần 700.000ha/tổng số 1,7 triệu hecta đất nông nghiệp của cả vùng. Theo kịch bản BĐKH, nếu nước biển dâng cao 1m và không có giải pháp ứng phó phù hợp, đến cuối thế kỷ này, 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp tới gần 55% dân số trong vùng.
“Nhận thức rõ thách thức này, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành có liên quan và các địa phương trong vùng triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với BĐKH và các qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Theo đó, nhiều chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL đã và đang được chính phủ chỉ đạo bổ sung, điều chỉnh theo định hướng cơ bản của Kế hoạch ĐBSCL đã được xây dựng trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với BĐKH và quản lý nước giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hà Lan” – Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, nói.
Triển khai tinh thần đối thoại cấp cao bên lề COP21
Theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, Hội nghị này là một trong những việc nhằm cụ thể hóa tinh thần tại Đối thoại cấp cao “Việt Nam kêu gọi các đối tác quốc tế chung tay ứng phó với các thách thức của BĐKH vùng ĐBSCL” tổ chức bên lề Hội nghị COP21, một số nội dung định hướng lớn về phát triển ĐBSCL đã được nêu ra. Trong đó, bao gồm 5 trọng tâm chủ yếu:
Một là, các hoạt động thích ứng với BĐKH, nước biển dâng được gắn kết với quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững, lồng ghép hiệu quả vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong vùng ĐBSCL cùng với phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Hai là, tích hợp quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH trong quy hoạch phát triển đô thị và sử dụng đất; phát triển hệ thống các khu dân cư vượt lũ đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường; giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm nhẹ phát thải nhà kính.
Ba là, nâng cao năng lực dự báo tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó hiệu quả với BĐKH, nước biển dâng.
Các chuyên gia qui hoạch đồng bằng của Hà Lan dự hội nghị |
Bốn là, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong phòng tránh thiên tai, ứng phó hiệu quả với BĐKH và nước biển dâng.
Năm là, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và các đối tác liên quan, đặc biệt là Ủy hội sông Mê Kônh quốc tế, để khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước vùng ĐBSCL. Tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng trong các hoạt động thích ứng với BĐKH.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh, việc đưa nội dung này và những định hướng cơ bản của Kế hoạch ĐBSC vào quá trình lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát triển ĐBSCL theo hướng tổng hợp, bền vững, đủ sức chống chịu trước những tác động do BĐKH gây ra.
Thứ trưởng cũng khẳng định, Hà Lan là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; lịch sử Hà Lan gắn liền với sự phát triển của những chiến lược phòng hộ nước và lấn biển. Việc học hỏi kinh nghiệm mang tầm thế giới của Hà Lan về qui hoạch phát triển đồng bằng ven biển với cách tiếp cận đặc trưng dựa trên phương pháp quản lý tổng hợp với sự hợp tác và phối hợp cao giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đề xuất các khuyến nghị đối với Chính phủ về qui hoạch phát triển ĐBSCL.
Bà Catharina Nienke Trooster – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, bày tỏ quyết tâm của Chính phủ Hà Lan trong nỗ lực hỗ trợ Việt Nam vượt qua thách thức. |
Cần có khuyến nghị phù hợp thực tiễn ĐBSCL
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng việc tập trung nghiên cứu các kinh nghiệm và bài học đã được các cơ quan nghiên cứu của Hà Lan đúc kết, thảo luận cách thức áp dụng trong điều kiện cụ thể của ĐBSCL và đưa ra những khuyến nghị cụ thể liên quan đến lập và thực hiện các qui hoạch, kế hoạch phát triển vùng là những trọng tâm cần được chú trọng. Cụ thể là việc đánh giá được những thuận lợi, khó khăn trong xây dựng và thực hiện qui hoạch cho ĐBSCL, khuyến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức đới với những vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng là những việc rất cần thiết. Những khuyến nghị từ hội nghị này, sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp thành báo cáo trình Chính phủ xem xét.
Phát biểu tại hội nghị, bà Catharina Nienke Trooster – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, bày tỏ quyết tâm nỗ lực của Chính phủ Hà Lan trong tiến trình hợp tác hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, chung tay triển khai Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long. Bà mong muốn các chuyên gia Hà Lan và Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm và các nghiên cứu có được từ Hà Lan cùng với tình hình, điều kiện thực tiễn vùng ĐBSCL để tích cực bàn thảo, khuyến nghị các giải pháp ứng phó, vượt qua các thách thức từ tác động tiêu cực của BĐKH, nước biển dâng, phù hợp với điều kiện cụ thể để phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, mong muốn sự hỗ trợ để các địa phương vùng ĐBSCL liên kết ứng phó với BĐKH. |
Đại diện lãnh đạo địa phương, ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết địa phương và vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ sự tác động của BĐKH, nước biển dâng và sự khai thác tài nguyên nước thiếu bền vững của các quốc gia thượng nguồn Mê Kông. Nhiệt độ trung bình, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: giông tố, lốc xoáy, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở,… gia tăng, chế độ thủy văn trên sông Cửu Long thay đổi theo hướng tiêu cực, gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ngày càng nặng nề.
Theo ông Đào Anh Dũng, công tác ứng phó với BĐKH đòi hỏi phải có sự chung tay phòng tránh và chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương. Tuy nhiên, đến nay ĐBSCL chưa có kế hoạch liên kết để đảm bảo công tác ứng phó hiệu quả cho toàn vùng. Do đó, hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng để Trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện tiến trình triển khai hiệu quả hơn các giải pháp ứng phó để phát triển bền vững trên cơ sở liên kết vùng; nâng cao năng lực các cấp chính quyền, các tổ chức cộng đồng, tổ chức khoa học tập trung vận động xây dựng chính sách, bộ máy, kế hoạch và huy động các nguồn lực để ứng phó BĐKH hiệu quả trên toàn vùng.
Hội nghị sẽ bế mạc và thông qua dự thảo khuyến nghị khoa học về qui hoạch vùng ĐBSCL, trong ngày mai (24/2/2016).
Bài & ảnh: Hùng Long