Sở Xây dựng Hà Nội và TPHCM không thành lập Phòng Quy hoạch - Kiến trúc

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 23/12/2015

(TN&MT) - Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BXD-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan...

 

(TN&MT) - Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BXD-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Riêng đối với Sở Xây dựng thuộc Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố và theo quy định của pháp luật.

Về lãnh đạo, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Giám đốc và không quá 3 Phó giám đốc. Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở. Phó giám đốc Sở là người giúp Giám đốc Sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Đối với các tỉnh, cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng không quá 8 đơn vị, bao gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Quy hoạch - Kiến trúc; Phòng Phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật; Phòng Quản lý xây dựng; Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng; Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản; Chi cục Giám định xây dựng.

Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng không quá 10 đơn vị, cụ thể như sau: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Quy hoạch - Kiến trúc; Phòng Phát triển đô thị; Phòng Hạ tầng kỹ thuật; Phòng Quản lý xây dựng; Phòng Cấp phép xây dựng; Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng; Phòng Quản lý nhà nước và thị trường bất động sản; Chi cục Giám định xây dựng.

Riêng đối với Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không thành lập Phòng Quy hoạch - Kiến trúc, được thành lập Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Phòng Tổ chức cán bộ và giữ nguyên Phòng Pháp chế như hiện nay.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng Đề án về cơ cấu tổ chức của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thống nhất với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ trước khi quyết định.

Đơn vị sự nghiệp gồm có Trung tâm (hoặc Viện) Quy hoạch xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng, hoặc trực thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Riêng đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Quy hoạch xây dựng trực thuộc UBND Thành phố.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện theo quy định của pháp luật.

PV