Tập đoàn FLC xóa sổ rừng phòng hộ xây sân golf, resort
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 06/12/2015
Không chỉ dọn sạch cả chục hecta rừng phòng hộ, Tập đoàn FLC khi xây dựng đê bảo vệ biển Sầm Sơn còn chiếm dụng luôn 15,4 ha đất rừng, đất ven biển không được UBND tỉnh Thanh Hóa giao
Theo Quyết định 2784 ngày 28-8-2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án sân golf và các dự án tại khu du lịch sinh thái Quảng Cư của Công ty CP Tập đoàn FLC), “FLC có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) nghiên cứu, tính toán kỹ việc giữ chiều dày lớp rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ, chống xâm thực vào dự án”. Trong báo cáo gửi Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa ngày 13-10-2014, FLC cũng cam kết không làm ảnh hưởng đến dải cây rừng phòng hộ ven biển.
Khu rừng phòng hộ giáp biển đã bị dọn sạch, thay vào đó là những hàng dừa trụi lá |
Thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, ngày 19-9-2014 đã ban hành quyết định thu hồi 11 ha đất rừng phòng hộ do xã Quảng Cư quản lý giao cho FLC thực hiện dự án sân golf. Đến ngày 22-9-2014, UBND thị xã Sầm Sơn tiếp tục ra quyết định thu hồi trên 24 ha đất, trong đó có 13,1 ha đất rừng phòng hộ do xã Quảng Cư quản lý, giao cho FLC xây dựng khu resort.
Tuy nhiên, thực tế những gì diễn ra lại hoàn toàn khác. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động mới đây, tất cả diện tích rừng phòng hộ phía giáp biển đã bị FLC xóa sổ gần hết. Khu vực này chỉ còn rải rác một số cây phi lao ở phía cuối dự án sân golf, thay vào đó là những hàng dừa trụi lá.
Theo ông Lường Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Cư, trước khi FLC tiến hành xây dựng các công trình, khu vực này có khoảng 8-10 ha rừng phòng hộ do xã quản lý nhưng giờ “họ dẹp hết rồi”. Ông Lê Văn Hồng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ven biển - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cũng cho biết kiểm tra thực tế năm 2014 cho thấy xã Quảng Cư còn 33 ha rừng phòng hộ. “Khi FLC đến xây dựng, chúng tôi đã bàn giao 24 ha rừng phòng hộ cho UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng. Vừa rồi, tôi đã đi thực tế tại đây và thấy rừng phi lao phía trước dự án FLC không còn” - ông Hồng thừa nhận.
Không chỉ xóa sổ nhiều hecta rừng phòng hộ, FLC khi xây dựng đê bảo vệ biển đã chiếm dụng luôn 15,4 ha đất rừng, đất ven biển ngoài quy hoạch, không được UBND tỉnh Thanh Hóa giao. Mới đây, ngày 5-11, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo kết quả xác minh một số nội dung tố cáo những vi phạm của Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn gửi lãnh đạo tỉnh. Theo đó, đoàn thanh tra đã kiểm tra thực tế việc giữ lại dải cây rừng phòng hộ ven biển có độ dày 20 m (theo quy hoạch) nhưng thực tế chỉ còn 5-7 m (tại khu vực xây sân golf); còn phía trước khu resort, dải rừng phòng hộ đã bị xóa sạch.
Thanh tra tỉnh Thanh Hóa nêu rõ để xảy ra sai phạm này, trách nhiệm thuộc về Tập đoàn FLC, Chủ tịch UBND xã Quảng Cư và Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn.
Bít đường, cấm biển FLC còn tự tung tự tác khi thả một số lượng lớn phao xuống biển cấm thuyền bè của ngư dân và người cào ngao vào khu vực phía trước quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn khai thác thủy sản. Điều này khiến người dân địa phương rất bức xúc. “Họ thả phao cỡ lớn không cho thuyền bè và người dân vào. Nếu ai vào sẽ bị người của FLC xua đuổi. FLC còn dựng hàng rào, cử người gác chặn đường, không cho chúng tôi ra biển, không cho đánh cá phía trước FLC. Tuyến đường này đã bị họ bịt hẳn, không cho ai qua lại” - anh Trần Tuấn Anh (ngụ xã Quảng Cư), bức xúc. Theo ông Lường Văn Hoàng, FLC đã thả phao cấm biển hơn 1 tháng nay. “Chính quyền địa phương đã cùng lực lượng biên phòng đến kiểm tra và yêu cầu FLC không được thả phao ngăn biển và phải tháo dỡ ngay” - ông cho biết. Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, khẳng định thị xã đang chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc với FLC. “Việc thả phao cấm biển là không đúng. Ai cho họ cái quyền đó?” - ông Tuấn nêu quan điểm. |
Theo Người Lao Động