Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát tình hình sạt lở bờ biển Hội An
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 30/11/2015
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nghe đồng chí Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo về tình hình sạt lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An. Theo đó, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, từ ngày 13/9 - 15/9/2015, nhất là do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc những ngày cuối tháng 11/2015 với những đợt sóng cao 3- 4m đã gây sạt lở hàng trăm mét bờ biển; một số vị trí bị sóng đánh sạt lở sâu vào bờ trên 10m và vẫn đang tiếp tục xói lở nghiêm trọng, xâm thực ăn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến nhiều công trình, các dự án du lịch và đe dọa nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng của các hộ kinh doanh cũng như của người dân.
Trước tình hình đó, UBND thành phố Hội An đã nhanh chóng chỉ đạo thực hiện một số biện pháp tạm thời nhằm hạn chế sạt lở, bảo vệ công trình, tính mạng, tài sản người dân như: kè tạm 2 hàng cọc tre kết hợp mành che, gia cố bằng bao cát, vài địa kỹ thuật; tiến hành đổ bù thêm cát vào những điểm sạt lở để tạo mái ta luy, trải vải địa kỹ thuật và gia cố bằng bao cát loại nhỏ; huy động các phương tiện máy móc, nhân lực để thực hiện kè tạm chống sạt lở. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của thời tiết, toàn bộ cọc tre, bao cát gia cố đã bị sóng đánh sạt lở, 1,3km bờ biển đang đứng trước nguy cơ bị biến mất, cần được đầu tư khẩn cấp.
Tham gia buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Linh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các đập thủy lợi và thủy điện xây dựng trên thượng nguồn của các con sông đổ ra khu vực bờ biển Hội An, đặc biệt và sông Thu Bồn đã chặn một lượng rất lớn bùn cát do các công sông tải ra biển. Do thiếu hụt cát cung cấp cho khu vực bờ biển, gây ra hiện tượng xói lở bờ biễn dữ dội tại khu vực biển thành phố Hội An. Nếu không có giải pháp bảo vệ thích hợp, hiện tượng xói lở sẽ có nguy cơ làm mất dần toàn bộ dải đất ven biển, đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động phát triển du lịch của thành phố cũng như tài sản, tính mạng của người dân.
Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc đã đề xuất 4 giải pháp để bảo vệ bờ biển Hội An, đó là: nghiêm cấm mọi hình thức hút cát tại hạ lưu sông Thu Bồn và toàn bộ dải ven biển tỉnh Quảng Nam; xây dựng và thực hiện dự án nghiên cứu, xác định rõ quá trình vận chuyển bùn cát và nguyên nhân xói lở bờ biển Hội An; sử dụng kè lát mái có mấu phá sóng để bảo vệ khu vực bãi tắm Cửa Đại; nghiên cứu sử dụng công trình bảo vệ mặt của Nhật Bản để bảo vệ bờ biển và bãi cát của thành phố Hội An.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại buổi làm việc |
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và ý kiến tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: xói lở bờ biển thành phố Hội An đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể di sản văn hóa thế giới cũng như tài sản, tính mạng người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, cần thực hiện 2 giải pháp là xử lý khẩn cấp và và thực hiện lâu dài. Đối với giải pháp xử lý khẩn cấp, trước mắt cần huy động mọi nguồn vốn: từ ngân sách dự phòng Trung ương, địa phương và các nguồn xã hội hóa để thực hiện kè mềm, bù cát chống xói lở cho khu vực Cửa Đại. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các bộ, ngành, nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất các biện pháp căn cơ để khắc phục tình trạng xói lở tại khu vực bờ biển thành phố Hôi An. Từ đó có đánh giá tổng quát để áp dụng vào các địa phương cũng đang bị ảnh hưởng bởi xói lở.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình sạt lở tại khu vực bờ biển TP. Hội An |
Cũng trong chiều ngày 30/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác đã đi thị sát thực tế tình hình xói lở tại khu vực bờ biển thành phố Hội An.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe ý kiến người dân về tình hình sạt lở bờ biển Hội An |
Bài & ảnh: Đức Huy – Anh Dũng