"Đinh tặc" cũng là tội phạm hình sự

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 27/11/2015

(TN&MT) - Với 415/435 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, tương đương 84,01% tổng số đại biểu đồng ý, sáng 27/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự sửa đổi với việc bổ sung nhiều tội danh mới vào bộ luật..
Sáng 27/11, với 415/435 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự sửa đổi với việc bổ sung nhiều tội danh mới.
Sáng 27/11, với 415/435 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự sửa đổi với việc bổ sung nhiều tội danh mới.

Bộ luật hình sự (sửa đổi) gồm 26 chương, 425 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự sửa đổi cũng đã được Quốc hội thông qua trong buổi sáng 27/11 với 430/434 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành tương đương 87,04% tổng số đại biểu quốc hội.

Bổ sung nhiều tội danh mới

Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Báo cáo nêu rõ, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chỉnh lý dự thảo Bộ luật.

Ngày 12/7/2015, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo này trong thời gian 2 tháng, đồng thời, tiếp tục xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách. Ngày 12/10/2015, Chính phủ đã có Báo cáo số 497/BC-CP trình Quốc hội về kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo BLHS. 

Về bổ sung một số tội danh khác, đa số ý kiến Nhân dân và ý kiến ĐBQH tán thành việc bổ sung các tội mới; một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số tội nhằm xử lý hình sự đối với các hành vi như: gây lãng phí tài sản nhà nước; xâm phạm chế độ hôn nhân; hành vi mua chuộc, đe dọa người làm chứng trong tố tụng...; một số ý kiến cho rằng, một số tội danh mới được bổ sung nhưng quy định về hành vi khách quan không có tính chất đặc thù, trùng lặp về đối tượng xâm hại, cần phải rà soát, chỉnh lý lại.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo điều chỉnh các tội danh mới dự kiến bổ sung vào dự thảo, cụ thể:Đối với trường hợp người có chức vụ, quyền hạn gây lãng phí tài sản nhà nước, dự thảo Bộ luật đã bổ sung Tội sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước (Điều 220); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221) để xử lý hành vi này.

Bổ sung tình tiết “rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ” vào cấu thành của Tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261) và không quy định hành vi này thành tội danh riêng.

Bộ luật hình sự sửa đổi quy định: Rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ - là tội phạm hình sự
Bộ luật hình sự sửa đổi quy định: Rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ - là tội phạm hình sự

Quy định cụ thể các tội phạm về môi trường

Về các tội phạm về môi trường (Chương XIX), nhiều ý kiến cho rằng, Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235) nếu chỉ lấy chỉ số PH làm cơ sở định tội là không đầy đủ, thực tế việc đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường cần căn cứ vào nhiều thông số. Bên cạnh đó, quy định về “lưu lượng nước thải”; “khối lượng chất thải” như dự thảo sẽ làm giảm tính khả thi trong xử lý hình sự các pháp nhân gây ô nhiễm, do quy mô các doanh nghiệp ở Việt Nam hầu hết là vừa và nhỏ.

Tiếp thu ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 235 theo hướng, điều chỉnh quy định về “lưu lượng nước thải”, “khối lượng chất thải”, “khối lượng bụi, khí thải” phù hợp với thực tế, đồng thời, quy định rõ số lần vượt quá “các thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật cho phép về chất thải” làm cơ sở định tội.

Nhiều ý kiến đề nghị tách riêng các điều luật quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ thực vật, động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đồng thời, bổ sung đầy đủ danh mục loài thực vật, động vật theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp mà nước ta là thành viên.

Tiếp thu ý kiến trên, để bảo vệ hiệu quả các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp, bảo đảm thực thi cam kết quốc tế của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế đã tham gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung các nội dung trên vào các điều luật liên quan, cụ thể tại các điều: 233, 244 và 245 của dự thảo...

Hải Ngọc – Châu Tuấn