Đại Hội Biển Đông Á lần thứ 5 chỉ thảo luận về môi trường và phát triển bền vững biển đảo
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 11/11/2015
“Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương - Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các Biển Đông Á sau năm 2015” là chủ đề chính của Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 do Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) và các quốc gia thành viên tổ chức.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại buổi họp báo |
Đây được xem là một Hội nghị quốc tế hàng đầu về phát triển bền vững và quản lý các khu vực vùng bờ, đại dương, tập trung vào các biển Đông Á. Đại hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003 và định kỳ 3 năm một lần. Năm 2015, với vai trò là một quốc gia thành viên, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, trong những năm qua Việt Nam đã thể hiện quốc gia đi đầu trong hoạt động quản lý môi trường vùng bờ theo Chương trình phát triển bền vững biển Đông Á, góp phần quan trọng vào việc quản lý thành công môi trường biển Đông Á. Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan báo chí cùng tham gia và đưa tin kịp thời, chính xác về các hoạt động diễn ra tại Đại Hội, để nêu bật lên những thành tự đạt được của Việt Nam và các Tổ chức đối tác Biển Đông Á, góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại Hội.
Trả lời phóng viên báo chí về các nội dung của các phiên thảo luận tại Đại Hội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, Đại hội này chỉ bàn về vấn đề quản lý môi trường và phát triển bền vững vùng bờ, đại dương, trong đó có rạn san hô biển, đặt ra vấn đề các nước cần phải bảo vệ những hệ sinh thái biển như thế nào trong các Chương trình Nghị sự và trong 3 cuộc Hội thảo lớn và 9 nhóm chuyên đề.
Tổ chức PEMSEA là tổ chức đối tác thực thi nhiệm vụ bảo vệ môi trường vùng bờ biển chứ không phải tổ chức liên quan đến chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển đảo nên Đại hội không đặt vấn đề tranh chấp ranh giới, chủ quyền trên biển mà chỉ đặt vấn đề quản lý môi trường các vùng biển giáp ranh, cùng nhau thực thi các biện pháp chung bảo vệ môi trường và khai thác bền vững.
Cũng tại buổi họp báo, phóng viên báo TNMT đã trao đổi ông Vũ Sỹ Tuấn - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam để hiểu rõ hơn về những hiệu quả mà PEMSEA mang lại cho các địa phương của Việt Nam như chủ đề Đại Hội đưa ra.
Ông Tuấn cho biết: Tính đến thời điểm này, Tổ chức PEMSEA đã tài trợ cho Viêt Nam thực hiện 2 dự án, 01 dự án do Bộ Nông Nghiêp Phát triển Nông thôn chủ trì và 01 dự án do chính thức Tổng cục Biển và Hải đảo Việt nam chủ trì. Sau khi kết thúc giai đoạn 1 (2009- 2013), nhìn chung, đối với Dự án do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện, tôi cho rằng, sức lan tỏa của dự án là rất lớn. Cho dù chỉ có 10 địa phương tại giai đoạn 1 được hưởng lợi từ dự án Quản lý tổng hợp vùng bờ do tổ chức này tài trợ nhưng rất nhiều địa phương có biển khác trong cả nước đều thấy được cách thức tổ chức và thực hiện của phương pháp này là một hướng đi tất yếu, phù hợp với địa phương mình và cùng tự triển khai thực hiện như Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên…
Toàn cảnh buổi họp báo |
PEMSEA cũng giúp đỡ các địa phương trong phạm vi dự án thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực (ngắn ngày) cho việc thực thi chính sách quản lý tổng hợp vùng bờ, hỗ trợ tài liệu, kỹ thuật và cách thức thực hiện chính sách quản lý các cấp. Ông Tuấn cho rằng, thông qua những hoạt động này, rất nhiều địa phương có biển trong cả nước tìm thấy giá trị và hướng đi tất yếu của phương pháp quản lý tổng hợp; phải liên kết các ngành, cần tìm tiếng nói chung trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; cần giảm thiểu ô nhiễm vùng bờ bằng quản lý nguồn thải lục địa và tránh xung đột các ngành bằng cách phân chia khu vực khai thác trên biển… Hoạt động của PEMSEA như “tiếng chuông” reo lên để người nghe thấy sự tích cực, đúng đắn của nó để đi theo chứ không phải vì nguồn kinh phí mà họ tài trợ cho Việt Nam.
Và sự ảnh hưởng, lan tỏa lớn nhất và PEMSEA mang lại với Việt Nam theo ông Nguyễn Sỹ Tuấn chính là phương pháp của họ đặt nền móng cho tiền đề ra đời Tổng Cục biển và Hải đảo Việt nam để thực hiện quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo; sự thành lập Chi cục Biển hải đảo ở 22 tỉnh, thành có biển; Thực hiện được Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ trên 14 tỉnh; Xây dựng được 2 Chiến lược quan trọng là Chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp vùng bờ và Chiến lược khai thác và sử dụng bền vững TN&MT biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà hiện nay chúng ta đang tích cực triển khai.
Kim Liên