Người dân có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 11/11/2015
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, thực tiễn thực hiện quyền được thông tin và pháp luật về quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam thời gian qua còn có những vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ, điều này đòi hỏi phải tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và Chính phủ, bộ máy hành chính nói riêng - đây được coi là yếu tố then chốt của quản trị nhà nước, là một biểu hiện của “tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ” và là công cụ giúp phòng, chống tham nhũng, tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tăng trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.
Phiên làm việc tại hội trường của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: quochoi.vn |
Theo tờ trình, Dự thảo Luật quy định Luật này quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin và nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật tập trung vào việc giải quyết những vấn đề liên quan nhằm bảo đảm một người dân bình thường có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình.
Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung quy định việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan báo chí và nhà báo phục vụ hoạt động báo chí, việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng xác định rõ những vấn đề không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật theo hướng loại trừ việc tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin thuộc bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, thông tin về sở hữu trí tuệ, thông tin đã được chuyển sang cơ quan lưu trữ, thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán, thông tin liên quan đến vụ việc đang trong quá trình xử lý của cơ quan tiến hành tố tụng ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật.
Dự thảo Luật cũng nêu rõ: Việc tiếp cận các thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin thuộc bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, thông tin về sở hữu trí tuệ; thông tin trong các tài liệu, hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan lưu trữ lịch sử; thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán; thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Dự thảo Luật quy định các thông tin phải được công khai (bao gồm thông tin mà pháp luật quy định phải được công khai; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc của cơ quan có liên quan đến cá nhân, tổ chức; thông tin khác nếu xét thấy cần thiết, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, e, g, h và i khoản 1 Điều 24 Luật này) nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin và giảm số lượng cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể các hình thức, thời điểm công khai thông tin, trong đó có quy định về việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng Công báo, niêm yết. Việc quy định như vậy nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc chủ động công khai các thông tin, từ đó sẽ giảm tải cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, giảm chi phí hành chính cũng như chi phí tiếp cận thông tin cho người dân.
Để bảo đảm giữ bí mật thông tin mà pháp luật quy định phải được giữ bí mật, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin trong việc kiểm tra trước khi công khai thông tin, nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật về bí mật thông tin (khoản 2 Điều 14)…
Thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin; lập Danh mục thông tin phải được công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp…
Theo chương trình kỳ họp, dự thảo Luật tiếp cận thông tin sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ vào chiều 14/11 và tại phiên toàn thể ở hội trường vào buổi sáng 27/11.
Hải Ngọc - Châu Tuấn