ĐBQH Hà Minh Huệ: Nhà báo phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 05/11/2015
Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Hà Minh Huệ - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã dành nhiều thời gian trao đổi với báo chí xung quanh dự luật này.
Ông Hà Minh Huệ cho biết: Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) đang thu hút dư luận xã hội với nhiều điều khoản liên quan đến trách nhiệm cơ quan chủ quản, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổng giám đốc, các tổng biên tập… “Đây là dự thảo tương đối đầy đủ, đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận không chỉ của báo chí mà còn cả của công dân báo chí” - ông Hà Minh Huệ đánh giá.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 04/11, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - ông Hà Minh Huệ cho rằng: Nhà báo phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc những hành vi bị cấm trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này, ông Hà Minh Huệ cho rằng, dự luật lần này nêu rõ báo chí được quyền làm cái gì, không được làm cái gì, nội dung hành vi và thông tin bị cấm. Ông Huệ đưa ra quan điểm: “Tôi cho rằng, các nhà báo cũng phải suy nghĩ làm thế nào để thông tin một cách đầy đủ nhất nhưng đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích của trật tự xã hội”.
Ông Hà Minh Huệ cũng đã phân tích đến những vấn đề của hoạt động báo chí như: Nội dung không tư nhân hóa báo chí; Người đứng đầu cơ quan báo chí; Trách nhiệm của cơ quan chủ quản… Và điều mà Nhà báo, đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ quan tâm nhất hiện nay chính là đạo đức nghề nghiệp của phóng viên báo chí. “Tôi cho rằng quan trong nhất là các nhà báo phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Tự mỗi phóng viên chúng ta phải đặt ra rằng không bao giờ bước qua giới hạn đạo đức nghề nghiệp cho phép…” - ông Hà Minh Huệ nói.
Theo ông Hà Minh Huệ, có lẽ sắp tới, Hội Nhà báo Việt Nam phải có những quy định đạo đức nghề nghiệp chặt chẽ hơn, đảm bảo cho nhà báo hành nghề một cách phù hợp. Trò chuyện với các đồng nghiệp trẻ, ông Huệ cho rằng: “Đạo đức nghề nghiệp là phạm trù luật khó quy định hết. Luật thì không thể đặt hết chi tiết tình huống mà chúng ta phải giải quyết. Nhưng những người làm báo phải có trách nhiệm trước xã hội, thực hiện các quy định đạo đức nghề nghiệp. Trong đạo đức nghề nghiệp đã nói rõ trách nhiệm của mỗi nhà báo với xã hội”.
Trả lời câu hỏi về việc nhiều phóng viên khi viết bài không đưa hết (hoặc không được đưa hết) những nội dung, bài viết lên báo và họ (phóng viên đó) lại đưa lên mạng xã hội, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nhấn mạnh: “Cơ quan chủ quản, Ban Biên tập phải giám sát làm sao cho phóng viên, nhà báo cơ quan báo chí đó đảm bảo quy định, đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay, có hiện tượng, phóng viên viết chính thức trên báo chí một chuyện nhưng đưa thông tin trên mạng xã hội lại theo hướng khác. Điều đó vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Nếu dùng Facebook để truyền đạt thông tin hoạt động như là một cơ quan báo chí tư nhân là vấn đề hết sức đáng quan tâm và đáng ngại… Tôi nhắc lại, mỗi phóng viên phải biết tự đặt ra rằng, không bao giờ vượt qua giới hạn đạo đức nghề nghiệp”.
Hải Ngọc (lược ghi)