Khẩn trương sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 10/11/2015

  Trước các ý kiến của ĐBQH về công tác quản lý sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh còn nhiều "khoảng tối" trong phiên thảo luận...

 

Trước các ý kiến của ĐBQH về công tác quản lý sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh còn nhiều "khoảng tối" trong phiên thảo luận chiều nay (10/11), với vai trò quản lý của ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ TN&MT đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang báo cáo trong một phiên họp với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc về đất nông lâm trường - Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang báo cáo trong một phiên họp với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc về đất nông lâm trường - Ảnh: TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, hầu hết các lâm trường, nông trường quốc doanh thành lập sau 1954 và 1975 và nằm tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc. Trong thời kỳ bao cấp, các nông, lâm trường đã phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, khi chuyển sang mô hình hạch toán kinh doanh thì mô hình này đã không còn phù hợp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho biết, bên cạnh một số nông trường làm ăn không hiệu quả và vi phạm pháp luật như ý kiến các ĐBQH nêu, thì nhìn tổng thể, nhiều nông, lâm trường có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế.

Chính nhờ các nông trường, lâm trường chúng ta mới hình thành ngành cao su, ngành cà phê. Các nông, lâm trường cũng đã trở thành nòng cốt để chuyển giao khoa học công nghệ, là nòng cốt bảo vệ vùng rừng, thu mua chế biến nông sản thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, quá trình tổ chức lại sản xuất nông, lâm trường hết sức khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau: "Với gần 8 triệu ha đất, chỉ có 6.000 ha là đất nông nghiệp. Trong 6.000 ha đất nông nghiệp này Tập đoàn Công nghiệp Cao su chiếm 3.000 ha, số còn lại chia cho các nông trường rất nhỏ, phần còn lại thuộc đất rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, do vậy các nông, lâm trường xoay sở khó khăn do không có nguồn thu".

Quá trình sử dụng đất tại các nông trường cũng còn nhiều tồn tại do chính sách pháp luật về đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, trong khi chúng ta chưa theo kịp, buông lỏng từ bộ xuống các địa phương.

Một lý do khách quan nữa là đất nông, lâm trường chưa được đo vẽ hồ sơ địa chính, do hạn chế nguồn kinh phí đo vẽ lại…nên quản lý càng khó khăn.

Về phân cấp quản lý sử dụng đất nông, lâm trường, Bộ TN&MT được Chính phủ giao quản lý Nhà nước trên các mặt xây dựng và hướng dẫn văn bản pháp luật, hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thanh tra kiểm tra việc sử dụng đất... Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Bộ TN&MT chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn quản lý đất nông lâm trường, chưa tổ chức thanh tra tất cả các nông lâm trường sử dụng đất, chưa quan tâm việc xử lý sau thanh tra, dẫn đến vi phạm về đất đai kéo dài, gây bức xúc cho xã hội.

Nhận thấy rõ trách nhiệm của lĩnh vực quản lý ngành, giải pháp được đưa ra là Bộ TN&MT sẽ sớm ban hành hướng dẫn việc kiểm tra, đo vẽ hồ sơ địa chính, cắm mốc giới, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, đồng thời phối hợp Thanh tra Chính phủ xử lý vi phạm sau thanh tra.

Nói về trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã phối hợp các địa phương, kiểm tra giám sát các vấn đề thuộc diện quản lý của địa phương và của Bộ.

Ngoài ra, Bộ đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn, "nhưng khuyết điểm chính của chúng tôi là việc tổ chức thực hiện theo chức năng còn kém hiệu quả", Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn nhìn nhận.

"Một số nông, lâm trường thuộc diện quản lý của Bộ NN&PTNT khi thanh tra xử lý vẫn còn chậm và chưa dứt điểm, một phần do sự phối hợp với địa phương chưa chặt chẽ".

Hiện tại Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 118, ngoài ra xây dựng sửa đổi Nghị định 135 về chế độ khoán cho các nông, lâm trường, cũng như hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng phương án sắp xếp lại các nông, lâm trường.

Khẳng định việc sắp xếp đổi mới nông, lâm trường quốc doanh là nguồn lực to lớn thúc đẩy phát triển nông thôn, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị ban hành là chủ trương mạnh mẽ. Nếu các bộ, ngành, địa phương làm tốt sẽ chấn chỉnh nhiều vấn đề bất cập hiện nay.

Trên cơ sở thẩm định 205 nông trường quốc doanh, các địa phương và các bộ đã thống nhất sẽ để lại 4 công ty 100% vốn sản xuất, 57 đơn vị 100% vốn Nhà nước sản xuất làm dịch vụ, cổ phần hoá 84 công ty, thành lập 26 công ty trách nhiệm hai thành viên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp 4 đơn vị, giải thể 28 đơn vị.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Quốc hội sớm chấp nhận chủ trương trên.

Trước đó, buổi sáng ngày 10/11, Quốc hội (QH) đã nghe Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014. Báo cáo do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước trình bày.

Theo Báo cáo, từ 186 nông trường năm 2005, đến nay đã sắp xếp lại còn 145 công ty nông nghiệp. Từ 256 lâm trường đã chuyển đổi còn 151 công ty TNHH MTV thuộc sở hữu Nhà nước, 3 công ty cổ phần; thành lập mới 91 ban quản lý rừng (năm 2012, sau đó giảm còn 87 ban quản lý); giải thể 14 đơn vị khác.  

Tổng giá trị tài sản của các công ty nông nghiệp là 39.773 tỉ đồng (trong đó tài sản của Tập đoàn Công nghiệp Cao su 32.326 tỉ đồng); vốn chủ sở hữu 23.170 tỉ đồng. Bình quân, mỗi công ty nông nghiệp có giá trị tài sản 141 tỉ đồng; nếu tính cả đơn vị phụ thuộc, thì bình quân mỗi đơn vị có tài sản 90 tỉ đồng.

Tổng giá trị tài sản các công ty lâm nghiệp là 3.905 tỉ đồng; các khoản phải thu là 529 tỉ đồng; các khoản nợ là 1.833 tỉ đồng; tổng doanh thu là 2.478 tỉ đồng; tổng lợi nhuận là 182 tỉ đồng; tổng nộp ngân sách Nhà nước trong 10 năm (2004-2014) là 276 tỉ đồng.    

Theo báo cáo của Chính phủ, sau sắp xếp, phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động ổn định. Một số doanh nghiệp thực hiện thí điểm cổ phần hóa, đổi mới cơ chế quản lý, quản trị kinh doanh; chủ động trong sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước; tăng cường đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập và điều kiện sống của người lao động. 

Tuy nhiên, qua thực tế, các đoàn giám sát của QH cũng cho rằng, bản chất việc quản lý, sử dụng đất đai, các phương án, hình thức quản lý, sử dụng đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng hầu như không thay đổi.

“Việc chuyển đổi mô hình công ty mới chỉ dừng lại trên đề án. Các công ty nông, lâm nghiệp mới chỉ chuyển đổi tên, chưa thực sự thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai theo các quy định hiện hành của luật pháp và theo phương án quản lý, sử dụng đất tại các đề án đã được phê duyệt”, Báo cáo viết.       

Báo cáo giám sát cũng cho rằng, việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thời gian qua mới chủ yếu làm thay đổi hình thức tổ chức quản lý, chưa làm thay đổi căn bản cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp nên chưa tạo được sự chuyển biến căn bản theo mục tiêu đề ra. 

Theo Chinhphu.vn