Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giám sát việc phát triển khoa học – công nghệ tại TP.Hồ Chí Minh

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 30/08/2015

(TN&MT) - Ngày 30/8, Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng...

 

(TN&MT) - Ngày 30/8, Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQVN) làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên trong năm 2015, Ban Thường trực UBTƯMTTQVN thành lập Đoàn giám sát liên ngành nhằm giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI về phát triển Khoa học - Công nghệ (KH-CN) và Luật KH-CN tại TP. Hồ Chí Minh.

Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với TP.HCM.
Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân  phát biểu tại buổi làm việc với TP.HCM.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH-CN TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngân sách thành phố chi cho KH-CN giai đoạn 2011 – 2015 chiếm tỷ lệ trung bình hơn 2 % so với tổng chi ngân sách của thành phố, tương đương mức 2% được quy định trong Luật KH-CN. Chi cho sự nghiệp KH-CN tăng đều hàng năm và chiếm  trung bình gần 20% so với tổng chi ngân sách thành phố cho KH-CN, trong đó chi cho nghiên cứu khoa học chiếm 7,66%, chi cho đầu tư phát triển chiếm trung bình 80% so với tổng chi ngân sách thành phố cho lĩnh vực KH-CN.

Thành phố đã đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, đã thành lập một số mô hình nghiên cứu, triển khai mạnh và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á để nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ, sáng tạo công nghệ mới, công nghệ cao. Điển hình là Công viên phần mềm Quang Trung đến nay đã thu hút 119 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 10 DN nằm trong danh sách 50 DN hàng đầu Việt Nam; các DN đã xây dựng và cung cấp hơn 140 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với giá trị vốn đăng ký đầu tư sản xuất công nghệ vượt mốc 4 tỷ USD. Trong năm 2013, sản phẩm của khu công nghệ cao chiếm 94% nhóm ngành sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của thành phố. Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với mục tiêu tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp- nông thôn. Bước đầu góp phần hình thành một số vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như vùng sản xuất hoa lan, vùng sản xuất rau an toàn…theo quy trình VietGap trên tổng diện tích canh tác 145,7 ha.

Tuy nhiên, ông Tất Thành Cang – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù kết quả so với cả nước là hiệu quả nhưng vấn đề KH-CN của thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển khoa học công nghệ chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đô thị của thành phố và chưa trở thành động lực phát triển của thành phố. Một trong những nguyên nhân quan trọng là chính sách đang còn kìm hãm. TP. Hồ Chí Minh có nhiều DN lớn, nếu cơ chế hợp lý sẽ huy động được DN tham gia thì việc thực hiện nghiên cứu, ứng dụng KH-CN rất tốt, tạo được động lực phát triển kinh tế.

GS – TS Nguyễn Ngọc Giao, đại diện Liên hiệp các hội khoa học – kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ví von rằng, Trung ương đưa ra một “chiếc áo” chung, nhưng nếu TP. Hồ Chí Minh cứ cố gắng mặc chiếc áo đó thì khó có thể vừa được. Ông Giao đề nghị, cần phải tạo cho thành phố có một cơ chế riêng, chủ động hơn, chứ cứ đợi Trung ương nói làm gì mới được làm thì Kh-CN của thành phố khó phát triển hơn được.

Phát biểu tại buổi làm viêc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQVN đánh giá cao những kết quả về KH-CN mà TP. Hồ Chí Minh đã đạt được. Thành phố đã xây dựng được các khu công nghệ cao như Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12); Khu công nghệ cao (quận 9); Khu nông nghiệp công nghệ cao (ở huyện Củ Chi); đã chọn đề tài nghiên cứu phù hợp, việc nghiên cứu gắn với nhu cầu thị trường, có sản phẩm tốt, nhờ vậy mà hạn chế được việc phụ thuộc từ nước ngoài.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chọn những lĩnh vực có khả năng ứng dụng cao, góp phần vào hiệu quả kinh tế; cần đổi mới về cơ chế tài chính, ngân sách nhà nước sử dụng cho hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí tiền của Nhà nước; đảm bảo chế độ, chính sách hợp lý nhằm khuyến khích và giữ chân những người làm KH-CN.

                                                Thục Vy