Sơn La: Kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Mã
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 20/08/2015
Sông Mã là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La, với dòng sông Mã chảy qua địa bàn 13 xã, có chiều dài khoảng 90km. Hàng năm, do mưa lũ bồi tụ, dưới lòng sông Mã có một khối lượng rất lớn cát để làm vật liệu xây dựng.
Báo cáo nhanh tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Sông Mã, bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ năm 2009 đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện diễn ra rất phức tạp, tập trung chủ yếu ở 5 xã, thị trấn: Nà Nghịu, thị trấn Sông Mã, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Chiềng Khương. Hiện nay, số lượng phương tiện khai thác đã tăng từ 44 hộ gia đình với 49 phương tiện khai thác (năm 2009) lên 61 hộ gia đình với 82 phương tiện khai thác (năm 2015). Trong đó, chủ yếu tập trung ở xã Chiềng Cang với 31 hộ, 37 tàu khai thác và xã Chiềng Khương với 17 hộ, 22 tàu khai thác.
Trước thực tế này, UBND huyện Sông Mã đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật khoáng sản, tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác trái phép. Điển hình tháng 5/2014, UBND huyện đã đề nghị Sở TN&MT xử phạt vi phạm hành chính 29 trường hợp khai thác cát trái phép, phạt 16 triệu đồng/trường hợp vi phạm. Tới tháng 8/2014, tiếp tục lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động khai thác cát trái phép với 61 hộ dân, dùng xích sắt khóa 82 máy nổ hút cát không cho hoạt động.
Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với UBND huyện Sông Mã về công tác quản lý khai thác cát hiện nay
Tuy nhiên, việc khai thác cát trái phép chỉ dừng lại khi có đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện, xã, và tiếp tục hoạt động trở lại sau đó. Cộng thêm, việc thực hiện quản lý nhà nước với hoạt động khai thác cát còn nhiều khó khăn, dẫn tới hiệu quả quản lý không cao.
Thực tế hiện nay, cát dưới lòng sông Mã là cát trôi, được bồi tụ do mưa lũ, chưa được điều tra, đánh giá trữ lượng. Mặt khác, cát dưới lòng sông, bãi bồi sông Mã nằm trong khu vực đấu giá quyền khai thác, các hộ dân có nhu cầu xin cấp phép nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác.
Khó khăn nữa là, địa bàn khai thác cát trái phép trải dài gần 40km dọc sông Mã, các điểm khai thác cát không tập trung, phân tán, lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về khoáng sản còn quá mỏng. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, tập quán sản xuất kinh doanh của các hộ nhỏ lẻ, lạc hậu.
Hàng loạt tàu hút cát đang neo đậu dọc bờ sông Mã, thuộc địa phận bản Tiên Sơn, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã
Đáng lưu ý, do nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng với địa bàn huyện Sông Mã và các huyện, thành phố trong tỉnh rất lớn, nên khi UBND huyện tiến hành khóa máy nổ không cho các hộ dân hoạt động thì giá cát trên địa bàn huyện và các huyện, thành phố trong tỉnh nâng cao đột biến. Dẫn tới việc một số hộ vẫn lén lút khai thác cát trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý với hoạt động khai thác, kinh doanh cát trên địa bàn huyện.
Từ thực tế trên, để khắc phục tình trạng khai thác cát trái phép, UBND huyện Sông Mã đang tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chấp hành pháp luật, quy trách nhiệm cho người đứng đầu xã, thị trấn khi có hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Sơn La sớm hoàn thiện hồ sơ, phê duyệt Quy hoạch bổ sung các điểm cát trên địa bàn huyện chưa được quy hoạch vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát làm vật liệu xây dựng tỉnh Sơn La đến năm 2020. Cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn huyện cho tổ chức đủ điều kiện theo quy định. Tăng cường lực lượng giúp huyện kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép.
Ghi nhận những ý kiến phản ánh từ UBND huyện Sông Mã, ông Nguyễn Đắc Lực, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Trong lần kiểm tra này, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành kiểm tra thực địa, xử lý với tất cả các tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép trên sông Mã theo đúng quy định.
Nguyễn Nga