Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA tại Việt Nam

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 07/08/2015

(TN&MT) - Ngày 7/8, tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hội thảo "Hoạt động...

 

(TN&MT) - Ngày 7/8, tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam – 20 năm nhìn lại”.

Dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam; cùng đông đảo các tổ chức quốc tế, định chế tài chính quốc tế, ngân hàng thương mại tại Việt Nam, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế…

Hội thảo nhằm mục tiêu đánh giá tác động, thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong việc huy động và sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn khác trong 20 năm qua. Hội thảo cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất cũng như giải pháp để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng hiệu quả vốn ODA cùng các nguồn vốn khác tại Việt Nam để phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo tại hội thảo, chặng đường 20 năm (1995-2015) là chặng đường mang tính bước ngoặt, khẳng định đường lối đổi mới và hội nhập đúng đắn của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam. Trong đó, sự hợp tác chặt chẽ và thường xuyên với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế thông qua nguồn vốn ODA là động lực quan trọng về cả vật chất và tinh thần để Việt Nam vượt qua khó khăn, đặc biệt là hai cuộc khủng hoảng 1997-1999 và 2008-2009, khắc phục những bất ổn, yếu kém để đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế xã hội.

Với sự thành công của Hội nghị bàn tròn về viện trợ cho Việt Nam tại Paris ngày 9&10/11/1993, sự kết nối giữa Việt Nam và các nhà tài trợ ngày càng chặt chẽ và thường xuyên. Tính đến tháng 12/2012 đã có 20 hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (gọi tắt là Hội nghị CG thường niên) được tổ chức. Từ 2013, các quan hệ hợp tác của Việt Nam với các Nhà tài trợ được nâng lên tầm đối tác thông qua Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (chủ yếu từ các nước Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA, ADB, WB). Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, cùng với việc quản lý nợ công, khung pháp lý và phương thức quản lý, sử dụng vốn ODA của Việt Nam liên tục được đổi mới, hoàn thiện như: Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12; Nghị định 79/2010/NĐ-CP, Nghị định 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Các khâu hoạch định chủ trương đến các khâu cụ thể của quá trình quản lý, sử dụng, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, dự án ODA được quy định chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả cao nhất, hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ, các chương trình, các dự án, các địa bàn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu gồm: ODA viện trợ không hoàn lại (chiếm khoảng 10-12%), ODA vay ưu đãi (chiếm khoảng 80%) và ODA hỗn hợp (chiếm khoảng 8-10%). Lũy kế từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, bình quân đạt 3,5 tỷ USD/năm, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết. Hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt.

Khoảng 80 tỷ USD mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua không chỉ mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển KTXH, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực...quan trọng hơn sự cam kết này cũng đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra định hướng về sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới. Theo đó, đối với vốn ODA không hoàn lại, sử dụng để thực hiện các chương trình-dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người, hỗ trợ trực tiếp việc cải thiện đời sống kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đối với vốn vay ODA, sử dụng để thực hiện các chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; những chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có thể tạo ra nguồn thu để phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội quốc gia. Còn đối với vốn vay ưu đãi, sử dụng đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ chắc chắn như xây dựng các nhà máy điện, các tuyến đường cao tốc thu phí, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao ở các thành phố lớn, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao…

Bài & ảnh: Hoàng Liêm