Đại biểu băn khoăn về vấn đề bảo vệ tài nguyên, sản xuất nông nghiệp

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 08/06/2015

(TN&MT) - Ngày 8/6, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội 2014 và tình hình những tháng đầu năm 2015. Đa số ý kiến các đại biểu quốc hội đều tán thành với báo cáo do Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc. Tuy nhiên, ý kiến các đại biểu cũng tỏ rõ thái độ băn khoăn về vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp…

Cần đánh giá rõ thiệt hại tài nguyên

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) tỏ thái độ đau buồn trước thực tế đồng bào ở các vùng Trung bộ, Tây Nguyên, đồng khô, cỏ cháy, gia súc chết dần, chết mòn. Đại biểu đặt câu hỏi: Tình trạng này liên quan gì đến việc làm thủy điện, đến phá rừng hay không? Hay do biến đổi khí hậu gây nên. Giải pháp cung cấp nước cho các vùng xảy ra hạn hán kéo dài là tăng thêm hồ chứa hay đào kênh dẫn nước, hay buộc phải thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng cho phù hợp và lộ trình thực hiện từng năm như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu. Ảnh: SGGP
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu. Ảnh: SGGP

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra nhiều nơi ở địa phương gây bức xúc nhưng chưa đánh giá rõ tình hình xem thiệt hại đến tài nguyên, đến tính mạng sức khỏe con người. Nhưng tại sao những doanh nghiệp thiếu lương tâm xả, thải trái phép chất độc vào trong môi trường, gây ô nhiễm, khinh nhờn pháp luật, xử lý hành chính có đủ sức răn đe hay không? “Tới đây Bộ Luật hình sự cần quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân, kinh tế có thỏa đáng không?” – đại biểu đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Cao Phúc  (Quảng Ngãi) phát biểu: Tình trạng hạn hán nghiêm trọng diễn ra liên tục ở khu vực miền Trung, nhưng hệ thống hồ đập ở khu vực này chủ yếu xây dựng từ thời bao cấp bằng ngày công lao động xã hội chủ nghĩa đến nay hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể tích nước để phục vụ nông nghiệp mà lại trở thành những quả bom nước trong mùa mưa bão. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tập trung bố trí nguồn lực để khẩn trương sửa chữa nâng cấp, để giảm bớt khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão.

Sản xuất nông nghiệp vẫn theo kiểu “cầu may”

Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ lo lắng về tình trạng tiêu thụ - xuất khẩu nông sản, các mặt hàng mất giá, thủy sản liên tiếp gặp vấn đề trên thị trường thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh đời sống của người nông dân ngày càng khó khăn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho hay trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại đã thâm hụt lớn, chủ yếu do sức cạnh tranh những mặt hàng chủ lực (nông sản, đồ gỗ, dệt may…) giảm trong bối cảnh tiền đồng lên giá so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Malaysia…

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng các số liệu thống kê hiện nay cho thấy nhiều mặt hàng nông sản mất giá, mất thị trường: Gạo gặp phải những đối thủ như Campuchia, Lào, Bangladesh. Thủy sản khó khăn, vải thiều chật vật tìm đầu ra… Đại biểu chất vấn: “Tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua đã làm được gì?". Theo đại biểu, đến nay, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chủ yếu theo kiểu "cầu may", cạnh tranh bằng giá rẻ và luôn nơm nớp liệu có bị ép giá hay không.

“Tôi rất muốn nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có ai có thể trả lời câu hỏi làm sao để đưa nông sản Việt Nam vào các nước Nga, Kazakhstan, Belarus hay Hàn Quốc”, ông Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) cũng cho rằng, các giải pháp kinh tế được Chính phủ đề ra nhưng nặng yếu tố vĩ mô, chưa thấy giải pháp thiết thực mang tính thuyết phục. 

"Vì sao tiêu thụ nông sản ế ẩm đến vậy, sản xuất nhiều nhưng khó thị trường tiêu thụ. Lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, rồi đến dưa hấu... Cần có những giải pháp như thế nào để tăng cường hàng xuất khẩu, hợp tác mạnh mẽ với những nước có công nghệ cao như Nhật, Isarel...  Tôi rất đau lòng khi nhìn tình trạng này kéo dài nhiều năm nay", ông Đương nói. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn nêu ra những khó khăn trên để Quốc hội phân tích, mổ xẻ.

Đại biểu Nguyễn Cao Phúc phát biểu. Ảnh: SGGP
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc phát biểu. Ảnh: SGGP

Trăn trở với những khó khăn trong tiêu thụ nông sản thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, hiệu quả kinh doanh trong ngành này hiện còn rất thấp, cạnh tranh yếu. Trong khi đó, Chính phủ cũng như các Bộ, ban ngành đã xây dựng nhiều đề án khắc phục nhưng vẫn loay hoay nên nông dân trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải lo giá cả tiêu thụ.

"Vấn đề nông nghiệp đặt ra nhiều tại các kỳ họp nhưng sự vào cuộc của các ngành chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp đến nay đã giải quyết được gì mà vẫn khổ thay cho người nông dân. Lúa bán giá rẻ đó mà vẫn còn đầy đồng, hành tím, dưa hấu khoai lang bán rẻ như cho mà vẫn đổ đống. Thấy mà xót mắt. Có bao nhiêu sản phẩm nông sản của Việt Nam có thương hiệu và được biết đến. Hàng hóa không có tên tuổi, giá trị thì làm sao khách hàng tiêu thụ. Đến giờ này ai lo xây dựng thương hiệu nông sản và lo đến đâu rồi", đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đặt câu hỏi.

Đại biểu này cũng nhắc lại một thực trạng xảy ra thời gian gần đây để đề nghị Chính phủ có những biện pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết bất cập trong mô hình sản xuất, quản lý và tiêu thụ. "Đừng để cảnh các em đoàn viên thanh niên đi vận động người dân mua từng cân khoai, cân hành, dưa hấu để cứu nông dân. Đây không phải là giải pháp bền vững", bà Bé nhấn mạnh.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn đại biểu An Giang cũng cho rằng, giá các mặt hàng nông sản của Việt Nam ngày càng chênh lệch với các quốc gia trên thế giới do thua kém về chất lượng. Thêm vào đó những sản phẩm nông nghiệp có uy tín ngày càng ít đi.

"Nếu không giải quyết được bài toán nông dân làm gì thì bài toán hội nhập kinh tế sẽ là gánh nặng lớn chỉ giải quyết được 50%. Chính phủ cần vạch ra những chính sách dài hơi hơn như dự báo, đưa công nghệ vào để có những sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, thành lập chuỗi liên ngành đặc biệt là hệ thống phân phối", bà Tuyết nói.

Nguyên Vũ