Khánh thành Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 18/05/2015

(TN&MT) - Sáng 18/5, tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ khánh thành Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa tại quê nhà (xã Tường...

 

(TN&MT) - Sáng 18/5, tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ khánh thành Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa tại quê nhà (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình) với sự tham dự của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng.

Đồng chí Lê Hồng Anh cùng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.
Đồng chí Lê Hồng Anh cùng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Sau gần 2 năm xây dựng (khởi công ngày 24/11/2013), dự án Khu lưu niệm Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã hoàn thành trên diện tích hơn 16.000m2, với các hạng mục nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, thư viện và trung tâm tích hợp dữ liệu về khoa học và công nghệ, phòng hội thảo, chiếu phim, sinh hoạt truyền thống, quảng trường, các hạng mục phụ trợ và cảnh quan… tổng mức đầu tư gần 51 tỉ đồng.

Đặc biệt, Khu lưu niệm là công trình đầu tiên được Bộ Khoa học và công nghệ đầu tư xây dựng Trung tâm tích hợp dự liệu khoa học công nghệ, thư viện điện tử giới thiệu thân thế, sự nghiệp và các công trình nghiên cứu Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, quảng bá thông tin khoa học công nghệ, phục vụ khai thác sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn mới vùng ĐBSCL; phục vụ rộng rãi cho khách tham quan, nghiên cứu, tiếp cận thông tin khoa học công nghệ quốc gia và quốc tế.

Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Lê Hồng Anh, khẳng định: Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học tiên phong trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, là người vừa trực tiếp làm khoa học, vừa đặt nền móng kiến tạo và phát triển nền khoa học và công nghệ Việt Nam. Với những công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng, đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, từ súng không giật trong kháng chiến chống Pháp đến thiết bị rà phá thủy lôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước... Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là người đứng đầu nhiều cơ quan của ngành khoa học công nghệ Việt Nam và Bộ Quốc phòng.

Đại biểu dâng hương tưởng niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tại Khu lưu niệm.
Đại biểu dâng hương tưởng niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tại Khu lưu niệm.

Theo các nguồn tài liệu, cho biết Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa sinh ngày 13/9/1913 tại Tam Bình (Vĩnh Long) tên khai sinh là Phạm Quang Lễ. Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp thương thuyết với Bộ trưởng Thuộc địa Marius Moutet, ông cùng với kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước theo Hồ Chủ tịch về nước, tham gia tổ chức, chế tạo vũ khí cho quân đội tại núi rừng việt Bắc. Ngày 5/12/1946, Hồ Chí Minh đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa và trực tiếp giao cho ông làm Cục trưởng Cục quân giới (nay là Tổng cục Công nghệp Quốc phòng), năm 1948 phong quân hàm Thiếu tướng, Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự), Bộ Tổng tư lệnh Quân đội và sau đó đảm nhiệm nhiều chức vụ cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ của quốc gia.

Ông đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952, được bầu làm Viện sỹ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô vào năm 1966.

Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa từ trần vào 16h20’ ngày 9/8/1997, tại TP.Hồ Chí Minh, hưởng thọ 84 tuổi.

Tin & ảnh: Phong Vân