Đưa các hoạt động địa danh ngày càng có ý nghĩa thiết thực trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 13/05/2015

(TN&MT) – Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Đức Hiếu đã khẳng định như vậy tại hội thảo Địa danh trong...
(TN&MT) – Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Đức Hiếu đã khẳng định như vậy tại hội thảo Địa danh trong hội nhập quốc tế do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các quốc gia trong Khu vực tổ chức tại Hà Nội ngày 13/5.
 
Hội thảo thu hút sự tham gia của TS. Peter N Tiangco - Cục trưởng Cục Bản đồ và Thông tin tài nguyên Quốc gia Phi-líp-pin, Chủ tịch Nhóm Chuyên gia địa danh Liên hợp quốc - Khu vực Đông Nam Á, TS. Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, TS. Hoàng Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo, chuyên gia thuộc các nước thành viên của Nhóm Chuyên gia địa danh Liên hợp quốc - Khu vực Đông Nam Á, lãnh đạo, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các đại diện của các bộ, ngành, tổ chức của Việt Nam.
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam Phan Đức Hiếu cho biết: Từ xa xưa, địa danh đã được biết đến như một phần không thể tách rời của cuộc sống, có ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác nhau trong đời sống, kinh tế, chính trị và xã hội. Địa danh còn được coi là di sản văn hóa của các dân tộc và có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản sản văn hóa, cứu trợ nhân đạo, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thảm họa thiên tai, an ninh và gìn giữ hòa bình… của mỗi nước và trên toàn thế giới. 
 
TS Phan Đức Hiếu
Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Bản đồ và Thông tin tài nguyên Quốc gia Phi-líp-pin Peter N Tiangco và Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam Hoàng Ngọc Lâm tại hội thảo (theo thứ tự từ trái sang phải)
 
TS Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: “Từ năm 1959, Liên hợp quốc đã thành lập Nhóm chuyên gia về địa danh của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy việc sử dụng địa danh được chính xác và thống nhất trên toàn thế giới. Đồng thời, Liên hợp quốc đã thành lập 12 Nhóm làm việc theo các chuyên đề khác nhau và 24 Nhóm chuyên gia địa danh ở các khu vực trên thế giới. Trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, vai trò của địa danh ngày càng quan trọng. Theo thống kê, khoảng 30% số từ khóa tìm kiếm trên mạng Internet là địa danh. Các quốc gia đều coi địa danh là một phần quan trọng, cơ bản của hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia.”
 
Theo TS Phan Đức Hiếu thì mục đích của hội thảo nhằm: Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của địa danh trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng và toàn cầu hóa hiện nay, đưa các hoạt động địa danh ngày càng có ý nghĩa thiết thực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành vào cuối năm 2015.
 
Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam Phan Đức Hiếu phát biểu khai mạc hội thảo
Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam Phan Đức Hiếu phát biểu khai mạc hội thảo
Hiện nay, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao xây dựng Đề án Thành lập Ủy ban Quốc gia về Địa danh và Hạ tầng dữ liệu không gian để trình Chính phủ. TS Phan Đức Hiếu hy vọng, với sự ra đời của Ủy ban, các vấn đề về địa danh của Việt Nam sẽ được giải quyết và có bước phát triển mới.
 
Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Bản đồ và Thông tin tài nguyên Quốc gia Phi-líp-pin Peter N Tiangco khẳng định: Việc chuẩn hóa địa danh có vai trò hết sức quan trọng, cần thiết và có ý nghĩa. Chuẩn hóa địa danh sẽ mang lại sự thuận lợi, dễ dàng trong việc phát triển kinh tế, an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
 
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
 
Theo ông Trịnh Anh Cơ, chuyên gia bản đồ, Hội Trắc địa – Bản đồ - Viễn thám Việt Nam thì để hội nhập quốc tế tốt hơn trong lĩnh vực địa danh cần tiến hành những việc sau: Thứ nhất, sớm thành lập Uỷ ban Quốc gia về Địa danh. Thứ hai, trên bản đồ và các phương tiện thông tin, bên cạnh địa danh quen dùng cần bổ sung thêm địa danh chuẩn trong ngoặc đơn để mọi người quen dần với định danh chuẩn. Thứ ba, sử dụng các địa danh chuẩn trong tất cả các sách giáo khoa và giảng dạy địa danh chuẩn từ bậc phổ thông cơ sở để thế hệ sau hội nhập quốc tế dễ dàng hơn.
 
Đến tham dự hội thảo, các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học còn có dịp được nghe những ý kiến đóng góp, đề xuất về ý nghĩa thực tiễn và vai trò quan trọng của địa danh ở các lĩnh vực khác nhau, các vấn đề nghiên cứu về địa danh. Qua đó, đảm bảo sự thống nhất cao giữa các bộ, ngành trong nước, phù hợp với quy định của quốc tế để công tác chuẩn hóa, sử dụng địa danh ngày càng phát triển và có hiệu quả. 
 
 
Từ năm 2005 đến nay, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì tổ chức thực hiện Dự án "Xây dựng hệ thống thông tin địa danh Việt Nam và quốc tế phục vụ công tác thành lập bản đồ". Đến nay, Cục đã phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu của gần 6.000 địa danh nước ngoài, hơn 90.000 địa danh các yếu tố dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội của khoảng 30 tỉnh, thành phố và đang tiếp tục thực hiện trên tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đồng thời Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cũng đã phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện danh mục các địa danh biển, đảo, trong thời gian tới sẽ công bố, sử dụng rộng rãi.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bài và ảnh:Mai Đan