Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai: Nước là cốt lõi của phát triển bền vững

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 19/03/2015

(TN&MT) - Ngày 20/3, tại thành phố Bắc Giang, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ mít tinh quốc gia và các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2015 với chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”. Đây là cơ hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư về mối quan hệ giữa nước và phát triển bền vững. Nhân dịp này, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Thái Lai (ảnh) - Thứ trưởng Bộ TN&MT, Trưởng Ban chỉ đạo Ngày nước thế giới năm 2015 xung quanh vấn đề nước và phát triển bền vững.

 PV: Ngày nước thế giới năm 2015 có chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”. Đây là vấn đề được cả thế giới quan tâm trong bối cảnh nhu cầu về nguồn nước gia tăng trong khi tài nguyên nước đang đứng trước nguy cơ suy kiệt và ô nhiễm. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày nước thế giới, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Nước - nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống của con người, sự phát triển bền vững của mọi quốc gia và là ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững.

Việt Nam luôn khẳng định “Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”.

Đằng sau những thông điệp ngắn gọn này là rất nhiều những thông tin, kiến thức, khái niệm và thực tiễn về TNN mà chúng ta cần biết để có thể nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về nguồn tài nguyên đặc biệt và quan trọng này.

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai trả lời phỏng vấn
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai trả lời phỏng vấn

Nhân dịp Ngày Nước thế giới 22/3, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt. Nguồn tài nguyên nước trên các lưu vực sông đang bị khai thác quá mức, trước những áp lực về phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên nước ngày càng suy thoái cả về chất và lượng. Chính vì thế, phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, hơn bao giờ hết đòi hỏi phải mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu và tài nguyên nước đóng một vai trò then chốt và không thể tách rời khỏi phát triển bền vững. Với chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”, Ngày Nước thế giới năm 2015 hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về mối liên hệ giữa phát triển bền vững và tài nguyên nước.

Để hưởng ứng sự kiện quan trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2015 quy mô cấp tỉnh tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với các hoạt động như: Tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm, triển lãm với chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”; tổ chức diễu hành nhân Ngày Nước thế giới; vận động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên nước; phát động phong trào không lấn chiếm sông, hồ; trồng rừng bảo vệ nguồn nước; phát tờ rơi và chiếu phim tài liệu, phóng sự về tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

Đặc biệt, trong hai ngày 19 và 20 tháng 3 năm 2015 Lễ mít tinh quốc gia kỷ niệm Ngày Nước thế giới được Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tại thành phố Bắc Giang với sự tham gia của hàng ngàn đại biểu của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Bộ TN&MT sẽ chủ trì các cuộc hội thảo, tọa đàm, diễu hành, phát sóng các bộ phim tài liệu về tài nguyên nước, đạp xe diễu hành cổ động và các hoạt động khác.

Tôi mong rằng, những hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm Ngày Nước thế giới sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, từ đó có những hành động đúng đắn trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước.

PV: Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Có được những thành tựu trên phải kể đến sự đóng góp vô cùng quan trọng của tài nguyên nước. Xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về vai trò của quản lý tài nguyên nước trong phát triển bền vững ở nước ta?

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với phát triển bền vững ở nước ta đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động. Theo đó, đã đặt ra yêu cầu phải quản lý bền vững và hiệu quả hơn các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Quản lý tài nguyên nước phải theo phương thức tổng hợp, sử dụng đa mục tiêu và phải gắn với các tài nguyên thiên nhiên khác - một phương thức quản lý tài nguyên nước đã được áp dụng thành công ở một số nước trên thế giới và ngày càng chứng tỏ là một phương thức quản lý hiệu quả đang được nhiều quốc gia nghiên cứu áp dụng.

Công tác quản lý tài nguyên nước không ngừng được tăng cường và đã có những bước tiến quan trọng mà việc cải cách ngành nước với việc thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tách chức năng quản lý khỏi chức năng cung cấp các dịch vụ về nước là một bước đột phá hết sức quan trọng. Đồng thời, thể chế về tài nguyên nước cũng không ngừng được hoàn thiện và kiện toàn để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên phạm vi cả nước. Công tác sắp xếp tổ chức cũng được chú trọng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã được thành lập tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các đơn vị chuyên trách trực thuộc để thực hiên nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước trên địa bàn. Công tác đào tạo và tăng cường nguồn nhân lực về quản lý tài nguyên nước luôn được quan tâm, coi trọng và được thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp.

Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và đã được thể hiện xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước năm 2006 “quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông. Cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tài nguyên nước phải được phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Phải coi sản phẩm nước là hàng hóa; sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hoá các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước”; đồng thời, phương thức quản lý này cũng được thể hiện thống nhất trong các nghị định, quyết định, thông tư cũng như trong việc triển khai chính sách quản lý tài nguyên nước ở các cấp.

Đặc biệt, gần đây quan điểm quản lý tổng hợp, toàn diện tài nguyên nước đã được luật hóa và được quy định trong Luật tài nguyên nước 2012. Theo đó, “Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính” và “Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác”. Cùng với nguyên tắc này, Luật cũng đã thể chế các quy định, biện pháp cụ thể để thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong các hoạt động quy hoạch, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra...

 PV: Để hướng tới thực hiện thành công, hiệu quả quản lý phương thức tổng hợp tài nguyên nước, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tập trung ưu tiên cho những nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Quản lý tài nguyên nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề. Trong thời gian tới đây, Bộ TN&MT sẽ tập trung triển khai thực hiện Luật tài nguyên nước năm 2012. Tập trung triển khai “Kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước để triển khai thực hiện.

Tập trung hoàn thành các Quy trình vận hành liên hồ trên các lưu vực sông; giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước, nhất là các nguồn nước liên quốc gia; xác định dòng chảy tối thiểu trên một số lưu vực sông lớn, quan trọng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt Luật Tài nguyên nước, công tác giáo dục, truyền thông nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhất là trong việc chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ công tác thẩm định hồ sơ cấp phép, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định của giấy phép.

Tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, triển khai xây dựng các trạm quan trắc tài nguyên nước, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác quy hoạch, trước hết là triển khai quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Thực hiện đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với tài nguyên nước trên lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long, đề xuất các giải pháp nhằm thích ứng với những hậu quả do tác động của biến đổi khí hậu gây ra đối với tài nguyên nước; xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch phát triển phù hợp với những biến động của tài nguyên nước.

Kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước ở các cấp; thành lập các tổ chức quản lý lưu vực sông và triển khai thực hiện các nhiệm vụ điều phối, giám sát trên một số lưu vực sông lớn, quan trọng.

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh và tăng cường hợp tác với các nước có chung nguồn nước với Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước.

 PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thúy Hằng (thực hiện)

Ảnh: Hoàng Minh