Ngày 12/3, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án Quy hoạch báo chí
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 20/03/2015
Tại Hội nghị Học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XI diễn ra sáng nay, 20/3/2015, ở trụ sở Bộ TT&TT, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: Ngày 12/3 vừa rồi, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 do Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT trình lên.
Ngày 19/3/2015, Tổ Biên tập Đề án một lần nữa xem xét bổ sung, sửa đổi dự thảo kết luận của Bộ Chính trị. Trong tuần tới sẽ có thông báo kết luận của Bộ Chính trị. Sau đó, Thủ tướng sẽ ban hành Quyết định và sẽ triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 ngay từ năm 2015.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của báo chí cách mạng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc, ngay từ tháng 10/2006, Bộ Chính trị khóa X đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí trong cả nước.
Tháng 1/2014, Bộ Chính trị khóa XI đã đưa vào chương trình làm việc và thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển, quản lý báo chí toàn quốc. Khi xem xét Đề án, Trung ương đã tập trung thảo luận làm rõ, tạo thống nhất cao về sự cần thiết ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Trong đó, Đề án nêu rõ các nội dung chủ yếu như đánh giá toàn diện tình hình báo chí, quan điểm, mục tiêu quy hoạch báo chí và định hướng quy hoạch với từng loại hình báo chí (hiện có 4 loại hình báo chí gồm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình); phương án sắp xếp các loại hình báo chí.
Theo đánh giá chung, thời gian qua, thực tiễn báo chí nước nhà đã có nhiều đóng góp tích cực, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói của Đảng, tổ chức chính trị xã hội, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, và diễn đàn của nhân dân.
Nhưng bên cạnh đó, báo chí cũng có rất nhiều nhiều khuyết điểm, yếu kém. Nhiều cơ quan báo chí chưa làm đúng tôn chỉ mục đích; chưa thể hiện được vai trò là tiếng nói của Đảng, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp; chưa bảo đảm thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân. Năm 2014, nhiều cơ quan báo chí, nhất là các ấn phẩm phụ có sai phạm về nội dung, gây bức xúc cho xã hội.
Nhiều cơ quan chủ quản từ bỏ hoặc giảm trách nhiệm của mình, thậm chí lệ thuộc vào kinh tế của báo chí để hoạt động.
Bởi vậy, Đề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 đã được triển khai nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng hơn.
Theo Infonet