Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình phát triển KT - XH
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 21/10/2014
(TN&MT) - Sáng 21/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
(TN&MT) - Sáng 21/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng những tháng cuối năm 2014 và năm 2015.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tập trung quan tâm đến các nội dung việc làm cho người lao động, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế… Trong bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, các ĐBQH đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ, với những nỗ lực giải quyết khó khăn, đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội.
Các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh thảo luận ở tô. Ảnh: Chinhphu.vn
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm và dự báo những tháng còn lại của năm 2014 là khả quan. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá sát hơn trong một số lĩnh vực như tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm có đạt được 5% để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm mà Ngân hàng Nhà nước đề ra hay không.
Mặt khác, nếu ép để tăng trưởng tín dụng đạt 5% trong 3 tháng còn lại thì liệu nền kinh tế có hấp thụ được không? Do đó, giải pháp căn cơ cho vấn đề này cần được tính toán kỹ lưỡng, không duy ý chí hay nóng vội.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, điều đáng mừng là chỉ số tăng trưởng kinh tế (mấy năm gần đây thường không đạt) nhưng năm nay có khả năng hoàn thành GDP 5,8% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 9 tháng đầu năm 2014 có 53,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký tăng 13,9%, vốn bình quân 1 doanh nghiệp là 6 tỷ đồng, tăng 24,6%, tạo việc làm cho hơn 795 nghìn lao động và có gần 11,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2013. Con số DN phá sản là 51.244. Đại biểu Trần Ngọc Vinh tính toán: “Lấy số mới và giải thể trừ đi thì chỉ còn được 1281 DN mới thành lập. Con số này là không đáng kể. Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá, một số ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng năm nay tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ…”. Vì thế, đại biểu cảm thấy băn khoăn khi Chính phủ dự báo là vẫn hoàn thành chỉ tiêu GDP.
Còn đại biểu Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai), phân tích, trong năm 2014 Chính phủ đã nỗ lực lớn và duy trì dược mức độ tăng trưởng. Bước sang 2015, tăng trưởng phải gắn với vấn đề giải quyết việc làm bền vững. Một trong các giải pháp cần quan tâm là tháo gỡ khó khăn đối với các DN nói chung. Theo đại biểu Trương Văn Vở, giải pháp đột phá không chỉ ngắn hạn mà cả trung, dài hạn là phải tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Muốn vậy, phải phân bổ nguồn lực cho đầu tư cũng phải tính toán quy tắc, xác định trọng tâm, tạo động lực và sức lan tỏa, nên tập trung phát triển kinh tế theo vùng.
Đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) bày tỏ lo lắng khi việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn do còn vướng cơ chế vì liên quan đến nợ xấu cũng như sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp. Đại biểu Thanh cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng quý IV năm 2014 khó mà đạt chỉ tiêu cho cả năm bởi thực tế từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng không đạt và bấp bênh.
Về vấn đề an sinh xã hội, đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành đã điều hành năng động, sáng tạo với sự chỉ đạo sát sao để chính sách đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, từ quá trình điều hành ở địa phương, đại biểu Võ Kim Cự đề nghị Trung ương tập trung xử lý rốt ráo những vấn đề đã tồn đọng quá lâu như chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người dân vùng lũ lụt, nhà ở công nhân.
Bên cạnh đó, đại biểu Võ Kim Cự cho rằng, cần tập trung đầu tư nguồn lực vào một số nhóm chính sách như “tam nông” bởi đây là mặt trận an toàn cho đa số người dân, chỗ dựa quan trọng của nền kinh tế; tập trung chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng là gián tiếp hỗ trợ nông dân; hỗ trợ công nghiệp phụ trợ để giải quyết hàng triệu lao động nông dân và khuyến khích chế biến sâu các loại như nông hải sản.
Minh Trang