Thành lập Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 25/06/2014
Cán bộ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phải rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình, tham mưu hiệu quả.
Cán bộ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phải rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình, tham mưu hiệu quả.
Đây là chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tại Lễ ra mắt Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Hà Nội chiều 24/6.
Lễ ra mắt Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Phát biểu tại Lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao việc Tổng cục Hải quan đã tạo điều kiện tốt ban đầu cho việc thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo, hoan nghênh các bộ, ngành đã cử cán bộ sang công tác tại Văn phòng Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng nêu rõ, nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang phá hoại nền sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Do đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Văn phòng thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc tham mưu, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với cấp có thẩm quyền, từng bước đẩy lùi tình trạng nhức nhối này, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng nêu rõ, cán bộ Văn phòng thường trực là những người giúp việc cho Ban Chỉ đạo, đòi hỏi phải rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình, tham mưu hiệu quả. Bên cạnh đó, nơi nào để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra tràn lan trên địa bàn thì lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, các ngành có liên quan nơi đó phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và nhân dân. Văn phòng Ban Chỉ đạo phải tham mưu kịp thời, có hiệu quả với Ban Chỉ đạo trước các diễn biến, nhất là báo cáo ngay những địa phương để tình trạng này diễn ra công khai, nhức nhối.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, các ngành phải đề ra các giải pháp mạnh mẽ, đánh trúng, đánh mạnh vào các ổ nhóm buôn lậu, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhằm hạn chế tình trạng “che chắn” cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu sau khi bắt được vụ việc, cần đăng tải ngay lên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân giám sát, theo dõi và hạn chế “xin xỏ”.
Các lực lượng liên ngành gồm công an, hải quan, thuế vụ, cảnh sát biển, biên phòng, quản lý thị trường là những lực lượng chủ công cần phối hợp chặt chẽ để phòng, chống có hiệu quả. Kiên quyết không để tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc, bao che tội phạm đối với vấn nạn này.
Các ngành cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ làm tốt và xử lý nghiêm khắc người nào sai phạm, ổn định dần tình hình, thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng.
Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn