Trình Quốc hội Luật đầu tư (sửa đổi)

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 04/06/2014

(TN&MT) - Sáng 4/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật đầu tư (sửa đổi).
   
(TN&MT) - Sáng 4/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật đầu tư (sửa đổi).
   
  Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Kế  hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trước Quốc hội cho biết: Cùng với Luật doanh nghiệp được thông qua và có hiệu lực thi hành vào cùng một thời điểm (ngày 1/7/2006), đây là đầu tiên sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam có một khung pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp về cơ bản áp dụng thống nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
   
   
  Những quy định của Luật đầu tư đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một số rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
   
  Dự thảo Luật về cơ bản tiếp tục duy trì kết cấu của Luật Đầu tư hiện hành với 9 Chương, 84 Điều. So với Luật Đầu tư hiện hành, Dự thảo Luật giữ nguyên 4 điều, sửa đổi 31 điều, bổ sung 9 điều mới và bỏ 31 điều, trong đó sửa đổi căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, Luật bỏ Chương VII về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước vì nội dung này đã được quy định trong Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
   
Ưu tiên đầu tư đối với dự án năng lượng sạch
   
  Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Dự thảo Luật bổ sung vào Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư các dự án năng lượng mới, năng lượng sạch, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, sản phẩm cơ khí trọng điểm (Khoản 1 Điều 26). Cụ thể hóa tiêu chí xác định một số dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư chưa được quy định rõ trong Luật hiện hành (Ví dụ: bảo vệ môi trường sinh thái gồm dự án thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải, khí thải).         
   
  Để khắc phục việc áp dụng ưu đãi đầu tư tràn lan đối với tất cả các dự án thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, Dự thảo Luật quy định ưu đãi đầu tư theo địa bàn không áp dụng đối với các dự án khai thác khoáng sản; dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (Điều 30).
   
  Về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu hiện có ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật.
   
  Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị cần quy định chi tiết trong Luật các ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới, sản xuất vật liệu mới, năng lượng sạch....
   
  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Luật đầu tư không thay thế được các luật chuyên ngành về quy định nội dung chi tiết về ưu đãi đầu tư, vì vậy, đối với Luật đầu tư chỉ quy định các hình thức ưu đãi như trong dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, một số quy định liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư còn chung chung, chưa bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát và trên cơ sở tổng kết đánh giá các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành và đề xuất các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư mới, toàn diện hơn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích quốc gia trong từng thời kỳ.
   
  Dự thảo Luật cũng bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với một số doanh nghiệp và hoạt động đầu tư trên cơ sở luật hóa quy định trong một số Nghị định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua. Cụ thể: Bổ sung quy định về chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 37) và chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn (Điều 38). Việc bổ sung các quy định này nhằm hệ thống hóa và nâng cao hiệu lực pháp lý của chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được thực hiện ổn định tại các Nghị định hiện hành.
   
  Đồng thời, tạo cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN, KCX, KKT theo hướng yêu cầu các địa phương phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng cho người lao động (Điều 40).
   
Chưa nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài
   
  Về quy định đầu tư ra nước ngoài, Dự thảo Luật bổ sung quy định nhằm khẳng định nguyên tắc: nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế đất nước; hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư.
   
  Dự Luật cũng bổ sung quy định về vốn đầu tư ra nước ngoài nhằm xác định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc góp vốn và huy động các nguồn vốn để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Việc vay vốn bằng ngoại tệ phải tuân thủ điều kiện và thủ tục theo quy định của pháp luật về ngoại hối. Tùy thuộc yêu cầu quản lý ngoại hối trong từng thời kỳ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định điều kiện vay vốn thương mại để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài (Điều 63).
   
  Tuy nhiên, đối với việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư ra nước ngoài, đa số ý kiến cho rằng trong bối cảnh Việt Nam chưa tự do hóa các giao dịch vốn, nước ta rất cần vốn để phát triển kinh tế thì chưa nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, việc bỏ hoàn toàn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp, nhất là để quản lý, kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư để đơn giản hóa thủ tục hành chính, bổ sung các quy định tại Chương VII để nâng cao hiệu quả của việc quản lý nhà nước về đầu tư với những dự án đầu tư ra nước ngoài.
   
Minh Trang