Việt Nam tham dự khóa họp lần thứ 5 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 30/05/2014

(TN&MT) - Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 5 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu.
   
(TN&MT) - Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính Phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã dẫn đầu đoàn công tác của Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 5 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (Global Environment Facility – GEF) tại Cancun, Mexico từ 28-29/5/2014.
   
Đoàn Việt Nam chào xã giao Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường Toàn cầu Naoko Ishi
   
  Khóa họp lần thứ 5 Đại hội đồng GEF có sự tham gia của Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành GEF Naoko Iishi, các bộ trưởng, các quan chức cấp cao đại diện cho hơn 150 nước thành viên, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự và khối tư nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu trên khắp thế giới.
   
  Tại hội nghi, các đại biểu đã đánh giá hiệu quả hoạt động của kỳ hoạt động 2010-2014 của GEF và thảo luận kế hoạch hành động cho giai đoạn mới 2014-2018. Trong giai đoạn 2010-2014, GEF đã tài trợ gần 900  dự án cho hơn 140 nước với tổng số kinh phí 3,7 tỷ đô Mỹ trong các lĩnh vực đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, suy thoái đất, hóa chất, các nguồn nước quốc tế và quản lý rừng bền vững. Ở giai đoạn này, Việt Nam đã nhận được gần 58 triệu đô hỗ trợ từ GEF cho 28 dự án quốc gia và khu vực.
   
Đoàn Việt Nam tại Hội nghị
   
  Trong giai đoạn 2014-2014, với kinh phí 4,43 tỷ đô cho toàn cầu, GEF sẽ tiếp tục tài trợ cho các hoạt động trong các lĩnh vực trên, và sẽ mở rộng thêm lĩnh vực tài trợ cho đô thị bền vững, ngăn chặn phá rừng qua chuỗi cung ứng hàng hóa và thúc đẩy tính bền vững và khả năng thích ứng an ninh lương thực ở vùng cận Saharan Châu. Đặc biệt là, các dự án GEF sẽ được thực hiện theo cách tiếp cận tổng hợp đa lĩnh vực, đa nguồn lực. Vấn đề biến đổi khí hậu sẽ được giải quyết lồng ghép trong các vấn đề đa dạng sinh học, suy thoái đất, đô thị bền vững… Tăng cường điều phối sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu cũng là một trong những định hướng chiến lược của GEF từ nay đến 2020.
   
  Đoàn Việt Nam đã chào xã giao Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành GEF và gặp gỡ các Cơ quan thực hiện GEF nhằm trao đổi định hướng chiến lược GEF cho Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong các phiên họp, Đoàn cũng tích cực đóng góp ý kiến về cơ chế tăng cường hiệu quả các dự án GEF thông qua việc lựa chọn các chủ đề và cơ quan thực hiện thích hợp, nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu cho quốc gia và toàn cầu.
   
Đỗ Nam