Quốc hội thảo luận dự án Luật BVMT (sửa đổi): Đề xuất bỏ quy định nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 30/05/2014
(TN&MT) - Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
(TN&MT) - Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu tán thành với những nội dung cơ bản của dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) và sự cần thiết phải sớm ban hành Luật.
Tại phiên thảo luận, gần 20 ý kiến đại biểu quốc hội cũng tập trung phân tích xoay quanh việc làm rõ các cơ chế, chính sách và đặc biệt là các biện pháp BVMT, đảm bảo dự Luật bao quát được hết các trường hợp, đối tượng cũng như hành vi tác động đến môi trường cũng như công tác ngăn ngừa, bảo vệ…
Tán thành sự cần thiết có quy hoạch BVMT
Thảo luận về quy hoạch bảo vệ môi trường, hầu hết các ý kiến tán thành sự cần thiết quy định quy hoạch bảo vệ môi trường trong Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và cho rằng: Nhiều nước trên thế giới đã có quy hoạch bảo vệ môi trường; một số địa phương ở Việt Nam cũng đã xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường. Việc quy định quy hoạch bảo vệ môi trường trong Luật là kế thừa và hoàn thiện quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 1993 và Luật bảo vệ môi trường năm 2005.
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho biết, hiện nay có rất nhiều quy hoạch phát triển khác nhau như quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học...; trong đó, nhiều quy hoạch chưa xem xét cũng như lồng ghép yếu tố bảo vệ môi trường.
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho biết, hiện nay có rất nhiều quy hoạch phát triển khác nhau như quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học...; trong đó, nhiều quy hoạch chưa xem xét cũng như lồng ghép yếu tố bảo vệ môi trường.
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) phát biểu tại phiên thảo luận
Vì vậy, Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định việc lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường trong các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội. Mặt khác, quy hoạch bảo vệ môi trường cần xác định những ưu tiên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và lộ trình thực hiện cụ thể.
Việc đánh giá môi trường chiến lược được nhiều ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị bổ sung đối tượng phải thực hiện. Chẳng hạn như, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch...
Đề xuất bỏ quy định nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng
Một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau được nhiều đại biểu quốc hội góp ý là về vấn đề nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Tán thành việc Chính phủ cho phép nhập khẩu một số loại tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ vì mục đích kinh tế và giải quyết việc làm, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) cho rằng: Quy định này đã khắc phục được sự bất cập của Luật bảo vệ môi trường 2005.
Vì vậy, không nên cấm tuyệt đối như Luật bảo vệ môi trường 2005, bởi Việt Nam vẫn cần nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần phải có quy định nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường cũng như những quy định cụ thể hơn nhằm kiểm soát hoạt động nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng.
Trái với quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) và một số đại biểu khác đề nghị Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần bỏ khoản 3 Điều 81 quy định việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
Đề nghị cụ thể của đại biểu Hoàng là bỏ khoản 3 điều 81 trong dự thảo luật quy định: “Việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu”.
Lý giải về điều này, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng cho rằng, xu hướng dịch vụ phá dỡ tàu biển cũ di chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triền và kém phát triển ngày càng rõ nét. Đây chính là hình thức vận chuyển các chất thải nguy hại trên quy mô toàn thế giới và hậu quả là các nước nghèo sẽ nhận được ngày càng nhiều chất thải, nhất là chất thài nguy hại.
Mặt khác, khi phá dỡ một con tàu biển cũ có thể đem lại 90 - 95% nguồn thép phế liệu nhưng đã để lại một khối chất độc nguy hại không nhỏ chiếm 5 - 10% trọng luợng tàu bao gồm: chất amiăng cách nhiệt, nước bẩn đáy tàu, xăng dầu và nhiên liệu gây ra sự cố tràn dầu. Đặc biệt, lớp sơn thân tàu có chứa oxýt chì, thủy ngân, asen và kim loại nặng khác.
“Các chất độc nguy hại này mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây hại đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là nguyên nhân phát sinh ra các căn bệnh thần kinh, ung thư…” – đại biểu Hoàng nhấn mạnh.
Ngoài ra, quy định như khoản 3 điều 81 của dự thảo luật tạo nên sự mâu thuẫn với khoản 9 điều 7 trong dự thảo “cấm nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức”. Nếu trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường quy định cho phép việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ thì vô hình trung dễ làm phát sinh thêm một lượng lớn chất thải nguy hại nhập vào nước ta.
Bên cạnh một số ý kiến trên đây, nhiều ý kiến các đại biểu quốc hội đề nghị cần có thêm quy định về BVMT biển và hải đảo để bảo đảm tính thống nhất và toàn diện của Luật, trong đó có vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường; phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường trên biển và hải đảo.
Các đại biểu cũng đề nghị Dự thảo Luật phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT bảo đảm sự thống nhất và tránh chồng chéo trong quản lý cũng như cần phân cấp rõ trách nhiệm và thẩm quyền của Trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước về BVMT.
Minh Trang