Sẽ tinh gọn bộ máy, xác định vị trí việc làm cụ thể để nâng cao chất lượng công chức
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 20/11/2013
Trả lời chất vấn sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định, để nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ sẽ hoàn...
(TN&MT) - Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định, tới đây, để nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy; mô tả công việc, xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trên cơ sở đó định ra số công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu ý kiến: Việc thực hiện tinh giảm số lượng cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua không đạt được kết quả như mong muốn. Số cán bộ, công chức nghỉ chế độ từ năm 2010 – 2012 là 28.132 người, so với số tuyển mới là 69.800 người, tăng hơn 41.000 người, bằng 148% so với số người nghỉ và 10,5% so với số cán bộ, công chức. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước tình trạng số lượng cán bộ, công chức, viên chức không những không giảm mà thậm chí còn tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 132 về tinh giảm biên chế? Trong thời gian tới, Bộ có kế hoạch gì để tiếp tục tinh giảm biên chế?
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đặt vấn đề: Đến ngày 21/12/2012, cả nước có khoảng 1,7 triệu viên chức và hơn 535.000 cán bộ công chức, trong đó trình độ chuyên môn có hơn 64.000 cán bộ công chức chưa qua đào tạo, đây là việc rất đáng buồn. Trong khi đó Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có tới 30% cán bộ công chức không làm được việc, con số này thực hư như thế nào? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong tham mưu đào tạo, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ công chức, viên chức? Bộ trưởng sẽ làm gì để hạn chế tình trạng này?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, những kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần đổi mới, cải cách công vụ nhiều hơn là rất xác đáng. Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung cần phải có các biện pháp đổi mới, đồng bộ để tổ chức thực hiện đổi mới công tác công chức, viên chức.
Chính phủ đã ban hành nghị quyết chương trình tổng thể hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, trong đó có nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án công vụ công chức từ nay đến năm 2015. Việc đánh giá về cán bộ công chức, viên chức trong thời gian qua đã được phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương.
Về giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định sẽ hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy; mô tả công việc, xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trên cơ sở đó định ra số công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp; đồng thời bổ sung tiêu chuẩn ngạch đối với công chức và tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
Bên cạnh đó, hoàn thiện, bổ sung các tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức hàng năm và phương pháp đánh giá. Trên cơ sở đó, thực hiện từ Trung ương đến địa phương với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu, để tìm ra tiếng nói chung về tình trạng công chức, viên chức như đại biểu nêu.
Về nguyên nhân biên chế “tăng đều” hằng năm, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết chính sách tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Bộ trưởng dẫn số liệu biên chế công chức năm 2007 là 238.668 người, năm 2012 là 274.694 người, tăng 15,09%; đối với viên chức, năm 2007 là 1.490.544 người, năm 2012 là 1.872.044 người, tăng 25,59%. Năm 2013 và năm 2014 không tăng cán bộ công chức; đối với viên chức, Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đang xem xét để cân đối. Nguyên nhân tăng do bổ sung các đơn vị mới được thành lập; các đơn vị cũ nhưng được bổ sung chức năng, nhiệm vụ…
Minh Trang