Nâng bội chi, phát hành trái phiếu là vay tiền để… nuôi tham nhũng?
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 07/11/2013
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến nhận định, một nguyên nhân phá hoại nền kinh tế, làm mất ổn định xã hội, làm băng hoại đạo đức xã hội chính là tham nhũng, lãng phí.
Làm sao để sớm trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội: “Liệu có tham nhũng trong chính các cơ quan chống tham nhũng”? Không chặn được tham nhũng thì việc nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu cũng là vay tiền để nuôi tham nhũng…
Đây là những phát biểu thẳng thắn, đầy “lửa” của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về công tác đấu tranh tội phạm, phòng chống tham nhũng tại hội trường sáng nay, 7/11.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phân tích, trước đây chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu được cho là bộ máy chưa hoàn thiện. Nay Luật Phòng chống tham nhũng đã sửa, cơ quan chuyên trách được kiện toàn từ TƯ đến địa phương, “nói một cách hình ảnh là bày binh bố trận đầy đủ, binh lực hùng hậu nhưng giặc nội xâm tham nhũng chưa bị sát thương là bao nhiêu”.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến: "Trong khi Chính phủ xin nâng trần bội chi, phát hành trái phiếu để có thêm
tiền thì rất nhiều tiền của người dân đang bị chiếm đoạt".
Đại biểu khẳng định, quyết tâm chính trị đã có, chứng tỏ hiệu quả phòng chống tham nhũng (PCTN) đang nằm ở khâu triển khai thực hiện. Cử tri cho rằng “nợ xấu” về tài chính, tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là “nợ xấu” lòng tin và “tồn đọng” trách nhiệm trong PCTN.
Ông Tiến dẫn ý kiến thảo luận ở tổ, đại biểu đề nghị nên tập trung vào chiến dịch “bắt hổ” hơn là dàn trận lớn chỉ để bắt “con mèo, con chuột”. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi xử lý sai phạm tham nhũng ở một số tập đoàn nhà nước mới chỉ dừng ở người đứng đầu doanh nghiệp. Trong khi không thể không có sự tiếp tay, tiếp sức, đồng phạm, đồng mưu của cán bộ, công chức của một số cơ quan quản lý nhà nước.
“Có vị đại biểu tâm sự mỗi lần ra họp là lãnh đạo địa phương dặn nói gì cũng được nhưng đừng nói về tham nhũng, nếu phát biểu về tham nhũng mà còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho? Như vậy tiếng nói về tham nhũng bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội” - ông Tiến trăn trở.
Một trong những giải pháp được vị đại biểu này đề nghị là thành lập Cục Điều tra tội phạm về tham nhũng, cơ quan này được trao “thượng phương bảo kiếm”. Mục tiêu cần tập trung tới đây, theo ông Tiến, làm làm sao để sớm có câu trả lời cho câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội: Liệu có tham nhũng trong chính các cơ quan chống tham nhũng hay không?
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhìn nhận tham nhũng từ một góc độ khác. Đại biểu nhận định, một nguyên nhân phá hoại nền kinh tế, làm mất ổn định xã hội, làm băng hoại đạo đức xã hội chính là tham nhũng lãng phí.
“Tình hình kinh tế suy thoái, khó khăn hiện nay cũng có một phần từ việc tham nhũng tràn lan, dự án thì phải chạy chọt, bôi trơn. Chính tham nhũng cũng góp phần gây nên nợ xấu, tồn kho mà DN là nạn nhân” – đại biểu chỉ rõ, vì động cơ tham nhũng mà đầu tư xã hội thành ra dàn trải, tràn lan, lãng phí. Và lãng phí cũng để tham nhũng vì có vung tiền thì mới có thể vẽ ra được cách làm một chiếc cầu chỉ cần 70m nhưng tự “tông” lên 150m.
Vậy nên hiện tượng những Dương Chí Dũng, Vinalines, ông Hiến đồng ý nhận định, không phải là chuyện cá biệt mà chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thực chất vấn đề còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ông Hiến phân tích, trong khi Chính phủ xin nâng trần bội chi, xin phát hành thêm trái phiếu để chi tiêu, đảo nợ… thì rất nhiều tiền của người dân đang bị chiếm đoạt.
Đại biểu liệt kê hàng loạt dấu hiệu: “Một m2 nhà vệ sinh bị nâng giá lên nhiều lần, một thiết bị máy móc giá 100 triệu đồng bị nâng giá lên 130 tỷ. Những con đường đắt nhất thế giới mà không hề có sự giải thích thỏa đáng nào. Một đống sắt vụn cũng được nâng giá gấp 4 lần, giờ được định giá cả nghìn tỷ đồng. Những con tàu, những tòa nhà trị giá hàng nghìn tỷ khác thì không biết đã được nâng giá bao nhiêu lần”.
Những con số này nếu so với tổng thu cả năm chỉ gần 350 tỷ đồng của gần nửa triệu người dân tỉnh Bắc Kạn, số chi đầu tư phát triển năm 2013 của nhiều tỉnh như Ninh Thuận, Bến Tre, Hậu Giang… chỉ bằng 1/3 đến một nửa giá trị đống sắt vụn doanh nghiệp nhà nước mua về. Sự đối lập càng chua xót hơn nữa nếu kể đến những ngôi trường không ra trường của học sinh vùng cao, bữa cơm mời khách bằng… nòng nọc của nhiều cô giáo cắm bản hay những hoàn cảnh éo le như người mẹ phải quyên sinh để gia đình có sổ hộ nghèo như ở miền tây Nam Bộ…
“Phòng chống tham nhũng hiệu quả sẽ chặn được những vụ việc đó, chúng ta sẽ có nhiều nhà vệ sinh, trường học, nhiều con tàu, tuyến đường hơn, không phải nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu. Còn không chặn được tham nhũng thì việc nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu cũng là vay tiền để nuôi tham nhũng” – ông Hiến chốt lại.
Theo P.Thảo/Dân trí