Quốc hội phân tích nguyên nhân tăng bội chi ngân sách
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 03/11/2013
(TN&MT) - Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.
(TN&MT) - Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Thâm hụt ngân sách, tăng bội chi, do đâu?
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách, nguyên nhân tăng bội chi ngân sách nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, việc thu chi ngân sách Nhà nước đang ở trong tình trạng “giật gấu, bá vai”.
Chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn đến bội chi ngân sách Nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng có cả nguyên nhân tích cực và tiêu cực. Trong đó, 2 nguyên nhân đầu tiên có tính tích cực, gồm nỗ lực đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở đô thị, xã hội và thực hiện chính sách xã hội giảm khoảng cách giàu nghèo, sự cách biệt nông thôn và thành thị, thực hiện các chương trình quốc gia. 3 nguyên nhân còn lại là những nguyên nhân tiêu cực, gồm thể chế phân bổ ngân sách kiểu xin cho, “vung tay quá trán” trong chi tiêu cũng như nới rộng bộ máy, kỷ cương ngân sách chưa nghiêm gây thất thoát.
Đại biểu Trần Du Lịch hoan nghênh những động thái kiên quyết của lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải trong tiết kiệm, cắt giảm những khoản chi không cần thiết, không hợp lý trong đầu tư xây dựng cơ bản, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề chi tiêu công nhất là trong xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị; coi đây là chi tiêu dùng chứ phải đầu tư công.
Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị Nhà nước cần tiến hành mạnh mẽ việc thoái vốn ở các lĩnh vực không cần thiết; đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty để thu vốn tập trung cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng; chỉ nên duy trì doanh nghiệp đối với những lĩnh vực quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực ngành then chốt, trọng điểm.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết ngân sách hụt 63.630 tỷ đồng so với dự toán có nhiều nguyên nhân khác nhau (như giảm thu nội địa, thực hiện chính sách giãn thuế, miễn giảm thuế, tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch, quản lý điều hành chưa hiệu quả v.v…).
Bức xúc trước việc thất thu ngân sách Nhà nước năm 2013, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) kiến nghị làm rõ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước. Đại biểu đề nghị Quốc hội tăng mức vốn đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục. Chính phủ khẩn trương hoàn thiện chính sách tài khóa phù hợp hơn, giảm bội chi ngân sách, đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia.
Đề xuất khoán lương theo vị trí việc làm
Về lý do dẫn đến bội chi, phát biểu trước Quốc hội, Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, tổ chức bộ máy như hiện nay đang quá cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí cán bộ công chức, không kích thích người lao động thi đua, ngân sách chi trả lương ngày càng tăng.
Nêu thực trạng hiện nay không còn bộ nào chỉ có 4 thứ trưởng như quyết định 36 của Chính phủ đề ra, có bộ có đến 9 thứ trưởng, 4 bộ có 7 thứ trưởng, 9 bộ có 6 thứ trưởng, 7 bộ có 5 thứ trưởng, ông Út cho rằng bộ máy như vậy sao không tăng chi ngân sách được.
“Đề nghị Chính phủ khẩn trương khoán lương theo vị trí việc làm, vừa tiếp kiệm chi cho bộ máy, vừa có điều kiện cải cách tiền lương. Chính phủ cần rà soát và xây dựng bộ máy. Về cơ cấu tổ chức, bộ máy các cơ quan đơn vị, nếu ai làm sai quy định phải xử lý kiên quyết, ai làm không được vị trí công
việc thì kiên quyết thay đổi”, đại biểu nói.
Nêu ý kiến về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014, đại biểu đồng tình nâng mức bội chi từ 4,8% lên 5,3% nhưng kiến nghị Chính phủ cần thực hiện nguyên tắc dựa vào cơ cấu thu để quyết định cơ cấu chi. Hụt thu thì phải giảm chi vì nếu cứ chi kiểu như hiện nay thì nợ công sẽ tăng lên, không giảm vào năm 2015 như Chính phủ đề ra.
Đề xuất tập trung cho 5 Chương trình mục tiêu quốc gia
Đánh giá kết quả 3 năm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (2011-2013), một số ý kiến cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng nhưng kết quả huy động vốn đạt thấp, khả năng huy động không đạt nguồn lực đầu tư cần thiết theo Nghị quyết của Quốc hội, dẫn tới nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khó đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2011-2015.
Chất lượng và hiệu quả thực hiện ở một số chương trình chưa cao, tính bền vững còn hạn chế. Phân bổ và giao vốn chậm, hiệu quả sử dụng vốn ở một số chương trình mục tiêu quốc gia tại một số địa phương còn thấp, chuyển nguồn lớn, có biểu hiện thất thoát, lãng phí. Các chương trình mục tiêu quốc gia thiếu tính lồng ghép, nội dung còn trùng lắp với nhau và trùng lắp với các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác của Trung ương.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị, trong năm 2014-2015, do khó khăn về nguồn vốn, đề nghị chỉ tập trung bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và 2 chương trình đã có cam kết cụ thể với nhà tài trợ quốc tế là Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu.
Minh Trang