Quốc hội thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 19/06/2013
Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật PCCC cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, người phụ trách chuyên môn về phòng cháy chữa cháy phải có điều kiện bởi lẽ giống như kinh doanh thuốc phải là dược sỹ và phòng khám phải là bác sỹ… Nếu quy định chung chung như dự luật sẽ dẫn đến sự vận dụng tùy tiện.
Về trách nhiệm PCCC, Đại biểu Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng, cần quy định rõ ràng đầy đủ, an toàn đảm bảo việc PCCC đối với các loại hình công trình. Bên cạnh đó cũng cần quy định cụ thể đối với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, đối với hoạt động phòng cháy chữa cháy của lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở.
Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và phòng cháy chữa cháy, đại biểu Thích Bảo Nghiêm nhất trí bỏ cụm từ “thực hiện” và nên ghi “giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCC” vì trách nhiệm của người đứng đầu đương nhiên phải thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị nói rõ người đứng đầu là tổ chức hay cá nhân nằm trong cơ quan tổ chức để xảy ra cháy nổ thì phải bồi hoàn chi phí để chữa cháy. Và trách nhiệm để xảy ra cháy nổ phải thuộc về người đứng đầu.
Để nâng cao trách nhiệm pháp lý PCCC của cá nhân, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định thêm trách nhiệm PCCC của cá nhân vào luật.
Đối với việc xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy và kinh doanh dịch vụ PCCC ở K2 Điều 1, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Dự thảo. Kinh doanh dịch vụ PCCC là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tổ chức hay cá nhân đều phải làm hồ sơ đầy đủ trong đó người đứng đầu phải chịu trách nhiệm phải ký tên vào các văn bản cần thiết. Do đó đòi hỏi người đứng đầu đòi hỏi cũng phải có trình độ chuyên môn nhất định. Hiện nay, kinh doanh PCCC là ngành nghề đặc thù và được coi gần như độc quyền. Vì thế, xã hội hóa công tác PCCC trong giai đoạn hiện nay là phù hợp, cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền, có quy định cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật thì công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy mới đạt hiệu quả cao.
Về trách nhiệm PCCC của hộ gia đình, cá nhân, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, việc quy định hộ gia đình có trách nhiệm PCCC tại chỗ là không thực tế vì việc trang bị cho công tác PCCC không hề đơn giản. Quy định này chỉ phù hợp đối với hộ gia đình sống ở khu dân cư tập trung. Còn đối hộ gia đình ở nông thôn hay những vùng có điều kiện khó khăn thì không thể trang bị được phương tiện PCCC. Đại biểu dẫn giải, ở TP.HCM hiện mới có 5% có thể trang bị được PCCC. Đại biểu kiến nghị, hộ gia đình tham gia PCCC khi có ý kiến của chính quyền địa phương và Chính phủ sẽ hướng dẫn thi hành về quy định này.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì lại cho rằng, cần quan tâm đến hành vi bị nghiêm cấm vì đây là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ như bổ sung quy định, đối với hộ gia đình, cơ quan, tổ chức cá nhân cấm sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt cao.
Thực tiễn các vụ cháy nổ gần đây cho thấy, các cây xăng ở gần khu dân cư, các hộ kinh doanh có nguồn lửa thì sẽ có thảm họa cháy nổ xảy ra. Vì vậy, theo đại biểu Khánh cần bổ sung tiêu chí khoảng cách an toàn khi cho phép đăng ký kinh doanh, cấm kinh doanh đối với những người không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho biết, thời gian qua khi các vụ cháy xảy ra, lực lượng PCCC đã nỗ lực để dập lửa, cứu người và tài sản cho nhân dân. Tuy nhiên, một số người làm công tác PCCC đã phải chịu những tổn thất, thương vong lớn. Vì thế, đại biểu đề nghị, Nhà nước có chế độ đảm bảo cho người người tham gia PCCC không may bị hy sinh.
Để đảm bảo hiệu quả cho công tác PCCC, đại biểu đề nghị bổ sung quy định, Nhà nước cần đảm bảo các phương tiện hiện đại để PCCC, có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất các phương tiện đảm bảo an toàn PCCC.
Ngoài ra, đại biểu Khánh cũng đề nghị quy định PCCC ở các làng nghề, trên các phương tiện giao thông, giao thông thủy, cơ sở di tích lịch sử…
Chiều nay, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII; Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Sau đó, sẽ đến phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phiên chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Thúy Hằng