Cần sớm đưa các trạm định vị vệ tinh vào vận hành có hiệu quả

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:50, 24/07/2019

(TN&MT) - Ngày 23/7, sau khi nghe Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam báo cáo Dự án xây dựng trạm định vị vệ tinh cố định trên lãnh thổ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra trạm định vị vệ tinh tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương.
1
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cùng đoàn công tác kiểm tra Trạm định vị vệ tinh đặt trong khuôn viên Đài KTTV khu vực Đông Bắc (tỉnh Quảng Ninh)

Đoàn công tác đã đến nơi đặt trạm định vị vệ tinh tại Đài KTTV khu vực Đông Bắc (tỉnh Quảng Ninh), Điểm gốc độ cao Quốc gia (Khu vực Đồ Sơn, Hải Phòng) và Trạm khí tượng nông nghiệp Hải Dương.

 Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Phan Đức Hiếu – Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết: Dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam” được xây dựng với mục tiêu ứng dụng các dịch vụ, tiện ích mà công nghệ GNSS đem lại trong ngành tài nguyên môi trường nói chung và đo đạc bản đồ nói riêng. Ngoài ra, còn đáp ứng các yêu cầu về định vị độ chính xác cao của các ngành khác như giao thông, xây dựng, nông nghiệp… Mạng lưới trạm định vị vệ tinh toàn cầu (trạm CORS) sẽ trực tiếp giải quyết các bài toán đòi hỏi độ chính xác cao trong nghiên cứu Trái đất, quan trắc dịch chuyển mảng kiến tạo, dự báo động đất, quan trắc lún trên diện rộng và đặc biệt là có khả năng cung cấp vị trí chính xác cỡ cm đang rất cần thiết trong đo đạc bản đồ hiện nay.

2
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cùng đoàn công tác kiểm tra  tại Điểm gốc độ cao Quốc gia (Khu vực Đồ Sơn, Hải Phòng)

Đến nay, trong việc xây dựng trụ mốc cho 65 trạm CORS 24 trạm Geodetic CORS được thiết kế mốc bê tông khoan sâu đến tầng ổn định (có những điểm sâu tới 50m-60m) phân bố đều trên phạm vi cả nước với mật độ khoảng 200km/Trạm được sử dụng làm khung tham chiếu cho hệ tọa độ quốc gia; 41 trạm NRTK CORS được sử dụng để cung cấp số liệu phục vụ đo GNSS động thời gian thực độ chính xác cm phân bố với mật độ 50km-70km/Trạm bố trí tại các khu vực đồng bằng Bắc bộ, ven biển Trung bộ, Nam bộ.

6
Lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam giới thiệu với Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa hệ thống các trạm định vị vệ tinh

Theo ông Phan Đức Hiếu, cả nước hiện có 54/65 trạm CORS đặt trong khuôn viên đất của các trạm khí tượng. Trước mắt các trạm định vị vệ tinh chủ yếu phục vụ cho việc định vị vệ tinh của ngành đo đạc và bản đồ. Trong tương lai khi các trạm này hoạt động có hiệu quả sẽ mở rộng kết nối dữ liệu cho cả ngành khí tượng. Ông Phan Đức Hiếu thông tin, tới đây Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam sẽ bàn giao các trạm định vị vệ tinh và đưa vào sử dụng, vận hành có hiệu quả đáp ứng mục tiêu của Dự án.

8
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại buổi kiểm tra trạm định vị vệ tinh tại Đài KTTV khu vực Đông Bắc (tỉnh Quảng Ninh)

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam trong việc hoàn thành xây dựng các trạm định vị vệ tinh đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Trước mắt, Cục cố gắng đưa 65 trạm vào ứng dụng để mọi người thấy ưu thế và hiệu quả, sau đó sẽ tính toán đến việc đầu tư, mở rộng quy mô lớn hơn. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa gợi ý, đây là sản phẩm vô cùng hữu ích nhằm cung cấp tín hiệu cải chính với độ chính xác cao (cm) phục vụ cho tất cả các lĩnh vực ứng dụng khai thác thông tin tọa độ dựa trên nền tảng công nghệ Internet, vì thế, Cục cũng tính đến việc mở rộng cho các ngành khác, các doanh nghiệp bên ngoài có thu phí nộp ngân sách Nhà nước. Bộ sẽ tạo điều kiện để Cục xây dựng các văn bản đúng quy định pháp luật đảm bảo việc hoạt động được thông suốt.

1
Ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam phát biểu tại buổi kiểm tra

Tuy nhiên, để các trạm định vị vệ tinh hoạt động có hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sớm hoàn thiện các thủ tục, bàn giao đưa vào sử dụng. Để bảo trì các trạm này được bền vững, lâu dài, Thứ trưởng đề nghị các trạm khí tượng thủy văn nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành có vấn đề phát sinh ngoài phạm vi thẩm quyền của trạm cần báo cáo lên Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam để có hướng xử lý kịp thời. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng mong rằng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam tăng cường sự phối hợp trong việc quản lý, vận hành trạm định vị vệ tinh. Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là sản phẩm của Bộ TN&MT, trang thiết bị kỹ thuật được nhà nước đầu tư, vì thế, trạm định vị vệ tinh phải được sử dụng bền vững, hiệu quả đạt được mục tiêu đề ra.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng đã tặng quà cho trạm khí tượng nhằm động viên tinh thần cho các cán bộ khí tượng đang làm nhiệm vụ tại đây.

MỤC TIÊU CỦA VIỆC XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI CÁC TRẠM ĐỊNH VỊ VỆ TINH TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM

  • Hình thành mạng lưới các trạm quan trắc thu liên tục số liệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh GNSS hiện có trên thế giới;
  • Làm cơ sở thống nhất về cơ sở toán học cho số liệu địa lý khu vực và toàn cầu;
  • Phục vụ cho việc nghiên cứu, phát hiện kiến tạo hiện đại của vỏ trái đất, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ công tác dự báo thời tiết;
  • Đưa các hệ thống GPS, GNSS rời rạc trên cả nước về cùng một hệ thống  thống nhất nhằm tối ưu hóa thiết bị, giảm thiểu đầu tư, mở rộng khả năng khai thác;
  • Cung cấp tín hiệu cải chính với độ chính xác cao (cm) phục vụ cho tất cả các lĩnh vực ứng dụng đặc biệt trong lĩnh vực đo đạc bản đồ và các ứng dụng khai thác thông tin tọa độ dựa trên nền tảng công nghệ Internet.