Ưu tiên và có lộ trình với các cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:01, 25/06/2019
Báo cáo xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) của các địa phương, bộ, ngành, ông Khuất Hoàng Kiên – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường cho biết, qua nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) của các nước trên thế giới, cho thấy vấn đề tích hợp, chia sẻ dữ liệu bảo đảm đồng bộ trong vận hành, quản lý khai thác thông tin giữa các CSDL là đặc biệt quan trọng.
Cùng với đó, cung cấp dữ liệu mở Chính phủ đang trở thành một xu hướng mới, thể hiện cho xu thế công khai, chia sẻ thông tin và dữ liệu từ các chính phủ và tổ chức cho cộng đồng có thể tiếp cận, tái sử dụng và tạo ra các ứng dụng, dịch vụ có giá trị gia tăng, trong đó dữ liệu tài nguyên và môi trường đóng vai trò rất lớn.
Theo báo cáo, ở Việt Nam trong thời gian gần đây dữ liệu mở đang được Chính phủ quan tâm phát triển và đề án tiêu biểu là “Hệ tri thức Việt Số hoá” với sự đóng góp dữ liệu mở của tất cả các Bộ, ngành trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng góp một phần đáng kể.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường đang rất phân tán, không đồng bộ, không thống nhất để có khả năng kết nối, liên thông với các CSDL/HTTT; các dữ liệu tài nguyên môi trường chưa có tính thống nhất, quản lý rời rạc, thông tin, số liệu được tích hợp thống nhất, đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và khai thác, sử dụng. Mặt khác, công tác công bố, cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin, số liệu còn chưa được thuận lợi, vẫn còn tình trạng cát cứ làm giảm giá trị và hiệu quả sử dụng của thông tin, số liệu điều tra cơ bản.
“Để khắc phục những khó khăn nêu trên và bảo đảm cung cấp, chia sẻ và khai thác thông tin đầy đủ, kịp thời, thuận tiện đáp ứng yêu cầu của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, cộng đồng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; kết nối, liên thông với khu vực và quốc tế cần có những quy định, chuẩn, giải pháp kỹ thuật cụ thể cho việc kết nối liên thông Hệ thống CSDL TNMT với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, các Bộ, ngành”, báo cáo nêu rõ.
Do vậy, Đề án hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương nhằm thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường với mô hình tổ chức hiện đại bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên số nhằm tạo ra khả năng khai thác, phân tích, xử lý thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành và đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời tạo ra môi trường và hệ sinh thái CNTT ngành tài nguyên môi trường an toàn, linh hoạt trong quá trình xây dựng, phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, hoàn thiện khung pháp lý thống nhất về quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu tài nguyên môi trường theo hướng: bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ và có cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả; về kết nối, chia sẻ dữ liệu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Bộ TNMT với các HTTT, CSDL của các Bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, xây dựng nền tảng kết nối liên thông CSDL TNMT với các HTTT/CSDL của các địa phương, Bộ, ngành và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung cấp đủ hạ tầng tính toán, phân tích, kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên môi trường trên phạm vi toàn quốc; xây dựng hoàn thiện CSDL TNMT trong đó ưu tiên hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu có phạm vi toàn quốc bảo đảm kết nối, liên thông với các HTTT/CSDL của các Bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao Đề án hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương. Thứ trưởng Trần Qúy Kiên đề nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án, làm sao để có thể trình Chính phủ vào tháng 10/2019.
Theo Thứ trưởng, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều cần cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường. Do vậy, trước hết cần đánh giá lại hiện trạng cơ sở dữ liệu của ngành, xem lại những việc đã làm có đáp ứng được không, đáp ứng được đến đâu.
“Rõ ràng, đối với chúng ta cơ sở dữ liệu đất đai là quan trọng số một; bên cạnh đó là cơ sở dữ liệu môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, với nguồn lực như vậy chúng ta phải tính toán ưu tiên và có lộ trình đối với các cơ sở dữ liệu”, Thứ trưởng Trần Qúy Kiên yêu cầu.