Đánh giá hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai tại Việt Nam

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:53, 02/04/2019

(TN&MT) – Trong 2 ngày từ 02-03/4 tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy Văn (KTTV), Bộ TN&MT phối hợp với Tổ chức Hệ thống cảnh báo sớm tích hợp đa thiên tai khu vực (RIMES) tổ chức Hội thảo “Đánh giá hệ thống cảnh báo sớm tại Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Lê Thanh Hải chủ trì Hội thảo.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Lê Thanh Hải chủ trì hội thảo
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Lê Thanh Hải phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương; đại diện các Viện nghiên cứu, trường Đại học; các đối tác phát triển quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Lê Thanh Hải cho biết: Hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động mạnh mẽ đến các thiên tai hiện hữu, với tính chất biến động mạnh hơn, cực đoan hơn, dị thường hơn, cả về tần suất và cường độ. Theo báo cáo đánh giá giảm thiểu rủi ro toàn cầu, mặc dù thiên tai do thời tiết/khí hậu cực đoan gia tăng nhưng nhờ việc cung cấp thông tin khí tượng thủy văn kịp thời, đầy đủ hơn, chính xác hơn đã giúp cho công tác tổ chức phòng tránh tốt hơn nên thiệt hại về tính mạng con người có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu. Nhiệm vụ đó cũng là sứ mệnh lịch sử và trọng trách của ngành KTTV trong từng mỗi quốc gia.

Hội thảo “Đánh giá hệ thống cảnh báo sớm tại Việt Nam” là một trong những hoạt động của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thực hiện Dự án “Xây dựng khả năng phục hồi đối với các hiện tượng KTTV có tác động mạnh thông qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho các khu vực Đông Nam Á và các quốc đảo nhỏ đang phát triển” (MHEWS). Dự án do Tổ Chức Môi Trường và Biến Đổi Khí Hậu Canada (ECCC) hỗ trợ như một phần đóng góp cho “Sáng Kiến Rủi Ro Khí Hậu và Hệ Thống Cảnh Báo Sớm (CREWS)” của WMO.

“Những kinh nghiệm và thực tiễn phong phú được chia sẻ tại Hội nghị này sẽ giúp Việt Nam cũng như ở các quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương khác trên thế giới tìm ra những giải pháp tổng thể, phù hợp nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai tại Việt Nam: từ các khung chính sách, pháp luật, thể chế, sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan trong quan trắc, cảnh báo/dự báo và truyền thông để lồng ghép vào các chương trình, dự án phát triển của quốc gia và quốc tế nhằm tăng cường công tác phục vụ về KTTV, thích ứng hiệu quả với BĐKH góp phần phát triển kinh tế-xã hội” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Bà Carlyne Yu, chuyên gia quản lý rủi ro khí hậu của RIMES giới thiệu tổng quan về dự án “Rủi ro khí hậu và hệ thống cảnh báo sớm – Khu vực Đông Nam Á” (CREWS SEA) và Tiểu dự án Đánh giá
Bà Carlyne Yu, chuyên gia quản lý rủi ro khí hậu của RIMES giới thiệu tổng quan về dự án “Rủi ro khí hậu và hệ thống cảnh báo sớm – Khu vực Đông Nam Á” (CREWS SEA) và Tiểu dự án Đánh giá

Giới thiệu tổng quan về dự án “Rủi ro khí hậu và hệ thống cảnh báo sớm – Khu vực Đông Nam Á” (CREWS SEA) và Tiểu dự án Đánh giá, bà Carlyne Yu, chuyên gia quản lý rủi ro khí hậu của RIMES cho biết: Dự án CREWS SEA xây dựng khả năng phục hồi cho các sự kiện KTTV có tác động cao thông qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đa nguy hiểm (MHEWS) ở các quốc gia đang phát triển đảo nhỏ (SIDS) và khu vực Đông Nam Á (SeA).

Mục đích của dự án là giảm thiệt hại về người và kinh tế từ đến các thiên tai liên quan đến KTTV và khí hậu ở khu vực Đông Nam Á (SeA).

Dự án có mục tiêu là tăng cường các dịch vụ hỗ trợ quyết định dựa trên tác động của thời tiết, khí hậu và liên quan đến nước đối với các bên liên quan của Hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai (MHEWS) từ tất cả các thành phần kinh tế xã hội và cộng đồng.

Theo bà Carlyne Yu, các nước trong khu vực Đông Nam Á, nơi triển khai dự án gồm: Campuchia, Lào, Philipine, Việt Nam, Thái Lan.

Về khung pháp lý cho hệ thống cảnh báo sớm (EWS), Thích ứng với BĐKH (CCA), Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai (DRR), Quản lý Rủi ro Thiên tai (DRM) tại Việt Nam, bà Pone, nhân viên của RIMES cho biết: Luật phòng chống thiên tai được ban hành vào ngày 19/6/2013 và có hiệu lực vào tháng 5/2014. Phòng chống thiên tai tự nhiên được thực hiện theo 4 phương châm tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, phương tiện và tiếp tế tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Bà Pone, nhân viên của RIMES phát biểu
Bà Pone, nhân viên của RIMES phát biểu

“Về khung thể chế, Cơ quan quản lý thiên tai Việt Nam thuộc Bộ NN&PTNT là cơ quan đầu ngành. Bộ NN&PTNT chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án nâng cao” – bà Pone nói.

Tại  hội thảo, ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn ngắn của Tổng cục KTTV đã giới thiệu nhiệm vụ, các sản phẩm và dịch vụ của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. Theo ông, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thực hiện công tác dự báo khí tượng, khí hậu, thủy văn, KTTV biển phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên phạm vi cả nước.

Ông Trần Quang Năng cho biết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia được phép tổ chức thực hiện các tư vấn, dịch vụ về dự báo KTTV cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn ngắn của Tổng cục KTTV giới thiệu nhiệm vụ, các sản phẩm và dịch vụ của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia
Ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn ngắn của Tổng cục KTTV giới thiệu nhiệm vụ, các sản phẩm và dịch vụ của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Ông Trần Quang Năng thông tin Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cung cấp các loại thông tin chính như: dự báo thời tiết hàng ngày các khu vực đất liền, các thành phố chính trong nước và quốc tế; dự báo thời tiết biển hàng ngày trên biển Đông và vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam; dự báo và cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, KKL, mưa lớn diện rộng…; dự báo thời tiết, thủy văn 5 ngày, 10 ngày, tháng và dự báo mùa; dự báo mực nước hàng ngày trên các lưu vực sông chính; thông báo lũ, thông báo tình hình khô hạn; dự báo KTTV phục vụ thủy điện, năng lượng, hồ chứa, tưới tiêu, xây dựng, giao thông thủy.

Định hướng trong bối cảnh Luật KTTV có hiệu lực, ông Trần Quang Năng cho biết Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cần hiện đại hóa công nghệ dự báo, nâng cao chất lượng dự báo; đổi mới, đa dạng hóa mẫu mã và nội dung dự báo, cảnh báo; đổi mới phương thức truyền tin; chủ động giới thiệu hoạt động dịch vụ, tìm kiếm khách hàng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trong 2 ngày 2-3/4, toàn thể đại biểu tham gia hội nghị sẽ tham gia thảo luận nhóm và trình bày các kết quả thảo luận về nhu cầu và yêu cầu thông tin của các cơ quan sử dụng; ứng dụng/sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Tổng cục KTTV tại các đơn vị/đối tác sử dụng chính; các Chương trình và Dự án mới đây/đang thực hiện (EWS, CCA, DRR, DRM); thách thức và thiếu hụt; thảo luận về Kết quả khảo sát EWS.