Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:25, 28/03/2019

(TN&MT) - Ngày 28/3, tại TP. Cần Thơ, Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Nam bộ đã tổ chức Hội thảo nhận định mùa năm 2019, Công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin khí tượng - thủy văn - khí hậu phục vụ phòng chống thiên tai. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Tổng cục KTTV, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành khu vực Nam bộ.
KT1
Ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu

Theo Đài KTTV khu vực Nam bộ, trong năm 2018, tình hình thời tiết thủy văn diễn biến hết sức phức tạp và có nhiều dị thường, thiên tai có nguồn gốc KTTV xảy ra liên tục và với tầng xuất ngày càng gia tăng, với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển đông, 22 đợt không khí lạnh, 11 đợt nắng nóng diện rộng, 29 đợt mưa lớn trên diện rộng, 13 đợt lũ, 30 đợt lũ quét và sạt lở đất trên phạm vi cả nước.

Đối với khu vực Nam bộ, thời tiết cũng có những biến động mạnh mẽ, triều cường đã vượt mức lịch sử đo được tại Trạm Thủy văn Mỹ Thuận trên sông Tiền là 2,07m, vượt lịch sử 0,04m và tại Trạm Thủy văn Cần Thơ trên sông Hậu là 2,23m, vượt lịch sử 0,08m. Các đợt nắng nóng, đợt mưa lớn trên diện rộng, dông mạnh kèm theo tố lốc, sét… xảy ra ở nhiều tỉnh đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản  của nhân dân.

Đặc biệt, cơn bão số 9 xảy ra vào cuối tháng 11/2018 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Mặc dù cơn bão này không gây gió lớn, nhưng đã gây trận mưa lớn chưa từng có ở TP.HCM, vượt mức lịch sử từ 100 đến 200mm. Bên cạnh đó, năm 2018 ĐBSCL đã có đợt lũ lớn sau nhiều năm không có lũ đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng dân cư vùng lũ.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam bộ cho biết: Hiện nay, việc nâng cao chất lượng các bản tin dự báo KTTV, trong đó có bản tin nhận định mùa, tình hình KTTV là yêu cầu cấp thiết đối với các địa phương. “Quan tâm hàng đầu là nhận định đúng thời kỳ chuyển mùa cũng như thời kỳ bắt đầu mùa mưa, xu thế mưa, số lượng cơn bão.

Và thời gian xuất hiện cũng như độ cao của đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long, triều cường ở hạ lưu các sông Nam bộ nhằm giúp các cấp, các ngành và nhân dân trong khu vực có cái nhìn tổng quan ban đầu về diễn biến của mùa mưa bão, lũ năm 2019, từ đó đề ra kế hoạch sản, xuất kinh doanh, ứng phó, phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao” -  ông  Lê Ngọc Quyền lưu ý.

KT2
Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam bộ báo cáo tại Hội nghị 

Theo nhận định về tình hình thời tiết năm 2019 tại khu vực Nam bộ, thời kỳ bắt đầu mùa mưa muộn hơn so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ tuần giữa tháng 5/2019; thời kỳ kết thúc mùa mưa sớm hơn so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ tuần đầu tháng 11/2019; nhiệt độ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm.

Bên cạnh đó, cao điểm nắng nóng vào tháng 4, nhiệt độ cao nhất tại các tỉnh miền Đông có thể lên trên 38 độ; độ ẩm thấp nhất trong tháng 4 và tháng 5/2019 phổ biến từ 30 đến 40%; các tháng chuyển mùa vào tháng 5 và tháng 11 cần đề phòng hiện tượng dông, sét, gió giật xảy ra ở nhiều nơi ở Tây Ninh, Đồng Tháp, Cà Mau,…

Trước tình hình diễn biết ngày càng phức tạp của thời tiết, thủy văn, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, nhiều đại biểu tham gia Hội thảo mong muốn, trong thời gian tới, ngành KTTV sẽ kịp thời đưa ra những bản tin dự báo, cảnh báo nhanh, chính xác phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai của các cấp, các ngành, người dân đaịh phương…

Ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho rằng: Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết KTTV có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng cao và ngày càng khó dự báo hơn trước, gây thiệt hại năng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực Nam bộ nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng.

Trong các tháng mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL bị nước biển xâm nhập mặn sâu làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhiều khu vực đã thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Số lượng các cơn bão hướng vào vùng ĐBSCL, khu vực mà trong quá khứ rất ít khi hứng chịu bão ngày càng nhiều với cường độ khá lớn, gây hậu quả nặng nề tới phát triển kinh tế và đời sống của người dân Nam bộ.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, khí hậu và yêu cầu ngày càng cao của xã hội, việc nâng cao chất lượng, cung cấp kịp thời dịch vụ KTTV cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm ứng phó kịp thời, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời tận dụng được những mặt có lợi do sự thay đổi khí hâu mang lại là hết sức cần thiết và cấp bách.

KT3
Quang cảnh Hội thảo nhận định mùa năm 2019

Để phục vụ tốt hơn nữa công tác phòng chống thiên tai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực Nam bộ, ông Lê Hồng Phong yêu cầu: Đài KTTV khu vực Nam bộ cần tiếp tục nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ đa dạng, đa lĩnh vực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đổi với các bản tin dự báo, cảnh báo yêu cầu phải dễ hiểu, gần gủi với người dân, làm cho người dân hiểu biết cách phòng chống, đặt biệt khi có thời tiết cực đoan xảy ra.

Cùng với đó, cần đổi mới công tác dự báo theo hướng dự báo dựa trên tác động chi tiết; tiếp tục hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát KTTV, công nghệ dự báo KTTV đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin khí tượng - thủy văn - khí hậu phục vụ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tương tác đa chiều, đa dạng về hình thức và nội dung.

Ngoài ra, quan tâm truyền tải thông tin đến với từng người dân bằng các hình thức phù hợp để người dân có thể hiểu và sử dụng thông tin KTTV hiệu quả; gắn kết chặt chẽ với các địa phương, nhất là các Sở TN&MT, Chi cục Phòng chống thiên tai của địa phương, đặt vấn đề phục vụ cho địa phương lên hàng đầu và xác định đó là nhiệm vụ then chốt. Bên cạnh đó, tranh thủ sự ủng hộ của địa phương để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.

Đồng thời, tranh thủ sự hợp tác, nguồn lực của các tỗ chức nước ngoài để nâng cao năng lực cung cấp thông tin KTTV phục vụ cộng đồng; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đào tạo nâng cao năng lực của các dự báo viên; phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan phát thanh truyền hình và báo chí để thực hiện tốt nội dung tuyên truyền, nhất là về công tác phòng tránh thiên tai, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo, đưa các thông tin KTTV đến từng người dân.