Bộ TN&MT: Tăng cường và đa dạng các hoạt động truyền thông
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:31, 26/03/2019
Truyền thông tạo sức mạnh, sức lan tỏa nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ hoạt động quản lý nhà nước trọng tâm về TN&MT như xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực thi chính sách pháp luật; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; điều tra cơ bản, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; thanh tra, kiểm tra việc thực thi chính sách, pháp luật TN&MTtheo hướng phối hợp chặt chẽ từ cơ sở, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở từng cấp và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ; tăng cường hội nhập sâu rộng, chủ động hơn trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương và các diễn đàn quốc tế về TN&MT. Cơ chế chính sách, chủ trương quan trọng về TN&MTngay từ khi chuẩn bị ban hành và tổ chức triển khai được truyền thông, phổ biến đến người dân, công động; hướng dẫn thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Bộ TN&MT chỉ đạo các nội dung tuyên truyền trọng tâm chuyên ngành. Điển hình như lĩnh vực quản lý đất đai sẽ tập trung chính sách pháp luật đất đai nhất; cơ chế thí điểm sẽ được ban hành và triển khai thực hiện trong năm 2019; tác động của chính sách pháp luật đất đai đến kinh tế - xã hội và môi trường; công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quản lý đất đai công khai, minh bạch, hiệu quả; các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai gắn với việc xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai; dịch vụ công về đất đai và tài sản khác gắn liền với đất cung cấp cho người dân, doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền tài sản trên đất để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân; Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất; việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... và các nhiệm vụ, đề án khác.
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, trọng tâm là điều chỉnh, bổ sung các quy định cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; bảo vệ nước dưới đất; ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến; giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo quy trình liên hồ. Công tác kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm đối với việc vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ theo quy trình liên hồ chứa; công tác khai thác sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước chung của các quốc gia trên lưu vực sông Mê Công. Công tác rà soát, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; triển khai thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia.
Trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản sẽ đẩy mạnh tuyên truyền Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Công tác tổ chức thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, đặc biệt đẩy mạnh việc kiểm soát hoạt động khoáng sản thông qua sổ giám sát hoạt động khoáng sản.
Ở lĩnh vực quản lý biển và hải đảo với các nhiệm vụ lớn như Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Công tác lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của cả nước; Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quá trình xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường về biển, hải đảo năm 2021 - 2026.Kế hoạch hành động quốc gia và các kết quả trong giải quyết rác thải nhựa đại dương.
Lĩnh vực môi trường sẽ tập trung Luật sửa đổi một số điều Luật Bảo vệ môi trường; triển khai xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế bảo đảm lộ trình tiến tới năm 2021 áp dụng mức quy chuẩn, tiêu chuẩn tương đương các nước phát triển; lập nhiệm vụ và triển khai Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia và Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Thực trạng và các giải pháp xử lý chất thải đô thị, nông thôn; việc kiểm soát, bảo vệ môi trường ở các dự án có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường để hoạt động đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới, tác động bất lợi từ hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa lên môi trường. Công tác thẩm định công nghệ trong chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; các biện pháp để ngăn ngừa nhập khẩu trái phép các loại chất thải vào nước ta.
Cùng với truyền thông về bảo vệ môi trường, lĩnh vực biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn với các nhiều nhiệm vụ thiết thực, thường xuyên, kịp thời như triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long “Từ chính sách đến thực hiện” do Thủ tướng chính phủ chủ trì. Công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào công tác xây dựng văn bản pháp luật và các hướng dẫn về ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung hướng dẫn về lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Việt Nam; Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; các mô hình phát triển sinh kế cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.
Đặc biệt, tuyên truyền việc đổi mới công tác nâng cao chất lượng các hiện tượng khí tương thủy văn nguy hiểm như: áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nước dâng, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai. Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020 “Tập trung hiện đại hóa, tự động hóa trong đo đạc quan trắc phục vụ dự báo”, thực hiện xã hội hóa trong phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và tăng nguồn số liệu đo mưa, gió tự động phục vụ dự báo phòng chống thiên tai.
Năm 2019, Bộ TN&MT tăng cường chỉ đạo tuyên truyền các nhiệm vụ về đo đạc bản đồ, thông tin địa lý, viễn thám, công nghệ thông tin. Điển hình nhiệm vụ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc bản đồ; Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ đến năm 2030, định hướng phát triển đến năm 2040; triển khai xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) phục vụ Chính phủ điện tử, quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và việc cung cấp các dịch vị định vị vệ tinh của Việt Nam; hiện đại hóa hệ tọa độ quốc gia, độ cao quốc gia; công tác hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính. Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, ứng dụng viễn thám trên phạm vi cả nước; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám vào công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Tăng cường vận hành, hoàn thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết nối với cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệuTN&MT kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, các bộ, ngành phục vụ Chính phủ điện tử Bộ TN&MT.
Ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Bộ TN&MT cho biết, nhiều năm qua, Bộ TN&MT xác định tuyên truyền, truyền thông là công cụ thiết thực trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Vì vậy, năm 2019, Bộ TN&MT giao các đơn vị có liên quan chú trọng ứng dụng công nghệ, phương thức truyền thông; thực hiện tốt công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; thông qua tổ chức Họp báo thường kỳ, chuyên đề; chủ động phối hợp hướng dẫn cung cấp thông tin, nhất là các thông tin, sự kiện được cộng đồng xã hội quan tâm nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; tăng cường phân tích, đánh giá, nhận định xu hướng và thách thức trong hoạt động báo chí truyền thông hiện đại; đa dạng hóa phương thức tổ chức, tăng cường các hoạt động tham vấn cộng đồng; đổi mới tổ chức các sự kiện, hoạt động tuyên truyền, truyền thông./.