Bộ TN&MT: Giới thiệu nhiều đề tài, nhân vật tham gia Chương trình phát hành tem bưu chính kỷ niệm

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:13, 20/03/2019

(TN&MT) - Thời gian qua, hoạt động phát hành tem bưu chính trong nước và quốc tế về sử dụng chủ đề, đề tài về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường có xu hướng phát triển mạnh và được nhiều lứa tuổi quan tâm sưu tầm.

Trong quá trình xây dựng, phát triển và đặc thù của tài nguyên và môi trường đang có nhiều tiềm năng về chủ đề, đề tài, nhân vật để phát hành tem bưu chính kỷ niệm. Đây sẽ là hình thức tuyên truyền, tăng cường quảng bá những sự kiện trọng đại, tiêu biểu và tôn vinh các nhân vật, sự kiện đóng góp quan trọng và thiết thực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước, cộng đồng nhân loại ở các ngành, lĩnh vực, các địa phương thông qua hoạt động phát hành tem bưu chính.

Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình phát hành tem bưu chính kỷ niệm năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động, Bộ TN&MT giới thiệu nhiều đề tài, nhân vật đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia giới thiệu phát hành tem bưu chính kỷ niệm. Các đề tài, nhân vật tiêu biểu có quá trình phát triển cũng như đóng góp to lớn cho ngành và đất nước, tiềm năng to lớn đang phát triển du lịch, kinh tế - xã hội.

unnamed 1
Cao nguyên đá Đồng Văn. Nguồn: Internet

Lĩnh vực địa chất và khoáng sản, Bộ TN&MT giới thiệu các công viên địa chất, Vườn quốc gia, Vườn di sản.

Điển hình như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của nước ta. Cao nguyên có vị thế hùng vĩ nằm ở độ cao bình quân trên 1.400m so với mặt nước biển; lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử phát triển địa chất phức tạp và lâu dài của lớp vỏ Trái đất. Đặc biệt, có đặc điểm nổi bật với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, những vách núi dựng đứng cao, các chóp núi như những kim tự tháp, các trũng sâu, hang động và các vườn đá tạo nên vẻ đẹp lạ đặc sắc, có giá trị to lớn về khoa học và giáo dục. Cao nguyên đá Đồng Văn hiện nay thu hút đông đảo khách và đa dạng du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá những điều kỳ vĩ của thiên nhiên nơi đây.

Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng được UNESCO công nhận năm 2018; rộng gần 3.300km², trải rộng trên địa bàn 9 huyện, có trên 130 điểm di sản địa chất, địa mạo độc đáo, giá trị tầm cỡ quốc tế điển hình thông qua các tháp, nón đá vôi, thung lũng, hang động, hệ thống hồ, sông, hang ngầm liên thông; nhiều di sản giá trị minh chứng khoa học lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài đến hơn 500 triệu năm.

43741bc4a6dd2ee5ba92c40b1289dbd1
Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng. Nguồn: Internet

Vườn quốc gia, Vườn di sản Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Được công nhận trở thành Vườn di sản thứ 38 của ASEAN và thứ 6 của Việt Nam. Đây là Vườn quốc gia hội đủ đầy đủ 6 tiêu chí về tính toàn vẹn sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính bảo tồn cao, kế hoạch quản lý, bảo tồn và tính pháp lý; tổng diện tích 15.783 ha, trong đó diện tích biển chiếm 9.658 ha, diện tích các đảo nổi chiếm 6.125 ha; 2.212 loài động, thực vật, có 75 loài trên cạn và 31 loài sinh vật biển được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN. Vườn quốc gia, Vườn di sản Bái Tử Long được Bộ TN&MT công nhận là 10 sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2017. Vườn di sản này được bình bầu tham vấn cộng đồng với số lượng phiếu bình lớn nhất so với các sự kiện khác.

Quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An, tỉnh Ninh Bình lần đầu tiên được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (di sản hỗn hợp Thế giới) năm 2014. Đây là quần thể danh lam thắng cảnh đã đáp ứng đủ các tiêu chí như văn hóa, cảnh quan thẩm mỹ, địa chất - địa mạo, mang dấu ấn đậm nét các giai đoạn lịch sử phát triển của Trái đất, nhất là giai đoạn cuối cùng quá trình tiến hóa trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm. Tràng An được du khách quốc tế đến thăm quan ngày càng tăng.

Lĩnh vực đa dạng sinh học, môi trường, Bộ TN&MT giới thiệu 7 khu Ramsar đã được tổ chức quốc tế công nhận và vinh danh.

Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Năm 1989 được công nhận là khu Ramsar; diện tích 7.100ha; 120 loài thực vật; 220 loài thuộc khu hệ chim; trên 500 loài động nổi và động vật chìm.

Vùng đất ngập nước Bầu Sáu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai được công nhận năm 1998; diện tích 13.759ha; là quê hương của cá sấu nước ngọt (tức cá sấu xiêm) loài cá tưởng như đã tuyệt chủng. Diện tích 8.248ha đất ngập nước, thấp hơn 115m so với mặt nước biển; 5.360ha đất ngập nước theo mùa; 151ha đất ngập nước quanh năm.

Hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam được công nhận là khu Ramsar năm 2011; là đa dạng về hồ sinh thái đầm hồ, đất, đá, núi; gồm 1.268 loài thực vật bậc cao có mạch; 553 loài động vật có xương; 106 loài cá và nhiều loài nguy cấp ở cấp độ toàn cầu như: Nghiên, Vạc hoa, Voọc đen má trắng...

c1
Danh thắng Tràng An - Ninh Bình. Nguồn: Internet

Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp được công nhận năm 2012; diện tích trên 7.313ha; gồm 57 loài thực vật, thủy sản và chim nước được ưu tiên bảo tồn (17 loài trong sách đỏ Việt Nam).

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau được công nhận vào năm 2012; diện tích 41.862ha. Hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên có giá trị cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa, phát triển du lịch.

Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Được công nhận năm 2013; diện tích 15.043ha bao gồm 9.000 ha biển và 6.043ha rừng. Là một trong vườn quốc gia tại Việt Nam bảo tồn cả rừng lẫn biển; 882 loài thực vật; 150 loài động vật (nhiều loại quý hiếm chỉ có ở Côn Đảo như sóc đen, thạch sùng có cánh Côn Đảo, chim diên mặt xanh.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, tỉnh Long An. Được công nhận năm 2015; diện tích 5.030ha; là một trong những hình mẫu tiêu biểu, điển hình về hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười; có hệ sinh thái đa dạng như rừng tràm, ruộng lúa, đồng cỏ ngập nước theo mùa, thảm thực vật thân gỗ, lòng sông cổ; 156 loài thực vật hoang dã (nhiều nhất là các sen, súng, năng ngọt...); 149 loài động vật có xương.

Vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Được công nhận năm 2016; diện tích 21.107ha, trong đó 8.038 ha vùng lõi, 13.069 ha vùng đệm. Đây là Vườn quốc gia quan trọng và đặc trưng của rừng đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam; gồm 32 loài thú, 186 loài chim, 186 loài bò sát lưỡng cư, 34 loài cá.

Lĩnh vực khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT giới thiệu Giáo sư Nguyễn Xiển (1907 - 1997): Người đầu tiên đặt nền móng phát triển ngành khí tượng thủy văn cách mạng Việt Nam và Trạm Phù Liễn được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công nhận là “Trạm khí tượng trên 100 năm tuổi”.

image002
Giáo sư Nguyễn Xiển

Giáo sư Nguyễn Xiển (1907 - 1997) là một nhà khoa học, là người chiến sĩ cách mạng, nhà trí thức yêu nước của Việt Nam. Ông từng giữ chức vụ Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam (1956 - 1988) và Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam (1960 - 1987). Năm 1941, Ông được điều động từ Chi cục Khí tượng Sài Gòn về đảm nhiệm Giám đốc Đài khí tượng Đông Dương (tiền thân của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam hiện nay tại tỉnh Kiến An (nay là thành phố Hải Phòng); là một trong số 3 Đài Khí tượng hiện đại nhất khu vực lúc bấy giờ. Ông là Giám đốc người Việt đầu tiên của ngành khí tượng thủy văn cách mạng Việt Nam. Trong suốt 40 năm công tác tại ngành khí tượng thủy văn, Giáo sư Nguyễn Xiển là một nhà khoa học lớn, đồng thời là một nhà hoạt động chính trị sôi nổi. Đặc biệt, ông có nhiều đóng góp cho việc xây dựng nền móng và sự phát triển của ngành khí tượng thủy văn nước ta với bề dày thành tích gần 120 năm.

image004
Tòa nhà làm việc của Sở Khí tượng Đông Dương  và Đài Trung tâm trung ương Đông Dương. Ảnh chụp năm 1926

Cùng với lịch sử phát triển ngành tài nguyên và môi trường nói chung, lĩnh vực khí tượng thủy nói riêng, Trạm Khí tượng Phù Liễn là minh chứng sinh động về thời gian. Trạm được thành lập chính thức năm 1902, là một trong những trạm tiền thân của mạng lưới trạm quan trắc khí tượng bề mặt tại Việt Nam và gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của ngành khí tượng thuỷ văn Việt Nam. Năm 2018, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã vinh danh các Trạm được xây dựng ít nhất là 100 năm, có hoạt động quan trắc ít nhất một yếu tố khí tượng tính đến nay và đang hoạt động bình thường tính đến thời điểm đề cử. Trạm Khí tượng Phù Liễn của nước ta đã được lựa chọn và tôn vinh với lịch sử lâu năm (hơn 100 năm) có nhiều đóng góp cho nền khí tượng thủy văn nhân loại.

Thời gian tới, cùng với sự phát triển lớn mạnh và khẳng định vị trí, vai của ngành tài nguyên và môi trường sẽ nhiều hơn nữa đề tài, nhân vật thực sự tiêu biểu để tham gia Chương trình phát hành tem bưu chính kỷ niệm.