Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam: Vì sao hồ sơ ĐTM của doanh nghiệp bị trả lại?

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:40, 24/02/2019

(TN&MT) - Tổng cục Môi trường vừa trả lại hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam, công suất 100 triệu m2 vải/ năm” tại Khu công nghiệp Sông Công II tỉnh Thái Nguyên cho Công ty TNHH Interweave Holdings để hoàn thiện. Theo Tổng cục Môi trường, việc trả lại hồ sơ ĐTM của Dự án này là đúng quy định, đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hạn chế phát triển các ngành nghề gây ô nhiễm.

Vậy Tổng cục Môi trường dựa trên các căn cứ nào để ra quyết định trả lại hồ sơ? Để rộng đường dư luận, Báo TN&MT đã trao đổi với Tổng cục Môi trường để có các thông tin xác đáng.

Dự án “nhạy cảm” có nguy cơ gây ô nhiễm

Vừa qua, Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM của Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam, công suất 100 triệu m2 vải/ năm” tại Khu công nghiệp Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là Dự án mà năm 2018 đã bị UNND tỉnh Vĩnh Phúc từ chối tiếp nhận đầu tư.

Dự án với quy mô về công suất, diện tích rất lớn (công suất 100 triệu m2 vải/ năm, diện tích thuê đất 53,4 ha tại KCN Sông Công II), ngành nghề dệt nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao, khối lượng nước thải phát sinh rất lớn (khoảng 14.500 m3/ngày đêm), vị trí đề nghị xả nước thải ra sông Công là nguồn chính cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và Trạm xử lý nước cấp sinh hoạt cho toàn thành phố Sông Công và các Nhà máy cấp nước sử dụng nước mặt trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương.

Dựa trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay, quan điểm ủng hộ đầu tư phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường bằng mọi giá, Bộ TN&MT đã cẩn trọng trong việc xét duyệt ĐTM nhất là đối với các ngành nghề nhạy cảm như dệt, nhuộm…

Băn khoăn về sự phù hợp của dự án

Sở dĩ, Tổng cục Môi trường không phê duyệt ĐTM của Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam, công suất 100 triệu m2 vải/ năm”(Dự án sản xuất vải áo sơ mi) là bởi 2 lý do.

Thứ nhất, Dự án này nằm trong KCN Sông Công II do BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. KCN sông Công đã được Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM nhưng đến thời điểm khảo sát vẫn chưa triển khai xây dựng bất cứ hạng mục hạ tầng kỹ thuật nào. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

Không những thế, ngay khi phê duyệt ĐTM Dự án của KCN Sông Công II, Bộ TN&MT đã quy định rõ về bảo vệ môi trường đối với KCN này là: “Chỉ tiếp nhận vào khu công nghiệp các dự án đầu tư thuộc những ngành công nghiệp có định mức sử dụng nước thấp đã nêu trong báo cáo ĐTM”. Nội dung báo cáo ĐTM của KCN Sông Công II ghi rõ các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư và KCN, trong đó không có công đoạn nhuộm. Chủ đầu tư dự án KCN Sông Công II cũng đã cam kết tất cả các nhà máy thành viên có nước thải phải được đấu nối vào Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Sông Công II, công suất thiết kế tối đa 5.000 m3/ngày đêm (bao gồm 02 module) để xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, cột A với các hệ số kq=0,9 và kf=1,0 trước khi thải ra ngòi Thác Lâm dẫn ra sông Công.

Tuy nhiên, theo nội dung báo cáo ĐTM của dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam, công suất 100 triệu m2 vải/ năm”, Dự án thuộc ngành nghề dệt có nhuộm, tổng lượng nước thải phát sinh ước tính trung bình 12.000 m3/ngày đêm và lớn nhất lên tới 14.400 m3/ngày đêm. Nước thải sau khi được xử lý tại trạm xử lý nước thải tập trung sẽ được xả thải trực tiếp ra sông Công.

Như vậy, rõ ràng theo nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt của Dự án KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên thì báo cáo ĐTM của dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam, công suất 100 triệu m2 vải/ năm” không phù hợp với nghành nghề thu hút đầu tư, tổng lượng nước thải phát sinh và phương thức xả nước thải.

Thứ hai, căn cứ Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 trong đó quy định cụ thể“tiếp tục phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các KCN Thụy Vân, Trung Hà, Tam Nông – tỉnh Phú Thọ, KCN Phổ Yên – tỉnh Thái Nguyên đồng thời phát triển các nhà máy may tại các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn”, chứ không nhắc tới khu công nghiệp Sông Công II – Thái Nguyên. Như vậy, dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. 

KCN Sông Công II vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng
KCN Sông Công II vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng 

 

Lo ngại về việc xả thải của Dự án

Sau khi tiếp nhận đề nghị của Công ty Interweave Holdings Limited về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án sản xuất vải áo sơ mi, Tổng cục Môi trường đã tổ chức khảo sát thực địa khu vực dự kiến triển khai dự án. Qua quá trình khảo sát, Tổng cục Môi trường nhận thấy, những bất cập về nguồn tiếp nhận nước thải và phương thức xả thải.

Theo đề xuất của Chủ dự án, nước thải sau khi được xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải của Công ty sẽ được xả thải trực tiếp ra Sông Công, không qua hệ thống xử lý nước thải của KCN Sông Công II. Tuy nhiên, khu vực xả thải là nguồn chính cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và trạm xử lý nước cấp sinh hoạt cho thành phố Sông Công và khu vực xung quanh, trong đó có một số tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Trong khi đó, Sông Công thuộc lưu vực sông Cầu, nơi đang có các nhà máy khai thác cấp nước sinh hoạt cho các cộng đồng dân cư, do vậy vấn đề có liên quan đến nhiều địa phương trong khu vực trong trường hợp đầu tư sản xuất và xảy ra vấn đề về sự cố gây ô nhiễm môi trường.

Việc xả thải nước thải của Dự án sau khi xử lý (mặc dù Chủ dự án cam kết đạt quy chuẩn môi trường QCVN 40:2008/BTNMT, cột A) nhưng trong nước thải sau xử lý vẫn tồn tại các thông số ô nhiễm, trong đó có các thông số kim loại nặng có trong hóa chất, thuốc nhuộm sẽ tiềm ẩn gây ra tác động tích lũy qua các chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe các cộng đồng dân cư khi sử dụng nước từ nhà máy nước cấp sinh hoạt Sông Công và các nhà máy nước cấp khác, ăn các động vật đáy sinh sống trong môi trường nước sông Công và trong lưu vực sông Cầu.  

Đã hướng dẫn thực hiện lại ĐTM

Trước những vấn đề nêu trên, Tổng cục Môi trường đã có văn bản số 4651/TCMT-TĐ yêu cầu Chủ đầu tư dự án làm rõ căn cứ pháp lý, nội dung ĐTM của Dự án. Cụ thể, Tổng cục đề nghị Công ty bổ sung giải trình làm rõ lưu lượng, phương thức và vị trí xả thải nước thải sau khi xử lý ra nguồn tiếp nhận (lưu lượng xả thải của Dự án khoảng 14.000 m3/ngày đêm, xả thải trực tiếp ra sông Công).

Đồng thời, Tổng cục Môi trường cho biết: Báo cáo ĐTM của Dự án sẽ được thẩm định, phê duyệt sau khi báo cáo ĐTM của Dự án “Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, diện tích 250 ha” được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật.

Mặc dù Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên và Công ty TNHH Interweave Holdings đã có văn bản phúc đáp song các căn cứ đưa ra vẫn chưa phù hợp với quy định pháp luật, quy định bảo vệ môi trường. Vì thế, ngày 3/1/2019, Tổng cục Môi trường có Công văn số 17/TCMT-TĐ về việc trả lại hồ sơ để hoàn thiện lại báo cáo ĐTM của Dự án. Trong văn bản này, Tổng cục Môi trường tiếp tục khẳng định: Công ty TNHH Interweave Holdings cần làm việc với Chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II để thực hiện lại đánh giá tác động môi trường gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định, phê duyệt lại theo quy định của pháp luật và làm căn cứ để xem xét, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án.

Trước việc dư luận cho rằng, Tổng cục Môi trường “ngâm” hồ sơ của doanh nghiệp quá lâu, Lãnh đạo tổng cục khẳng định rằng, điều này hoàn toàn không đúng. Bởi ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ ĐTM của Dự án sản xuất vải áo sơ mi, Bộ TN&MT đã chỉ đạo thành lập hội đồng việc thành lập hội đồng thẩm định gồm 15 thành viên gồm các chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực hóa học, công nghệ xử lý nước thải, công nghệ môi trường và đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đồng thời tổ chức khảo sát thực địa, làm việc, trao đổi, thảo luận với Chủ dự án và đại diện BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó, Tổng cục Môi trường mới ra văn bản đề nghị Chủ đầu tư bổ sung làm rõ căn cứ pháp lý, nội dung ĐTM của dự án. Đây là loạt động cần thiết và theo quy định để có đủ thông tin đánh giá sự phù hợp của dự án đối với các quy định pháp luật về bảo vệ Môi trường.

Đối với một dự án thuộc ngành nghề nhạy cảm, chỉ sau một tháng rưỡi tiếp nhận hồ sơ ĐTM, Tổng cục Môi trường đã thành lập hội đồng, khảo sát, làm việc với các bên liên quan và có văn bản trả lời thì không thể nói rằng các cơ quan chức năng gây khó dễ cho doanh nghiệp.