Sở TN&MT Sơn La triển khai nhiệm vụ năm 2019

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 21:15, 22/01/2019

(TN&MT) – Ngày 22/1, Sở TN&MT tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ ngành TN&MT năm 2019. Ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La dự và chỉ đạo hội nghị.
Ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu chỉ đạo hội nghị
Ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu chỉ đạo hội nghị

Nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường

Báo cáo kết quả công tác năm 2018, ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Trong năm 2018, Sở TN&MT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai; cơ chế, chính sách, đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.... Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành hơn 1.200 văn bản quản lý nhà nước về TN&MT trên địa bàn tỉnh. Công tác cải cách hành chính, toàn ngành đã tiếp nhận 656 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT và trên 7.000 thủ tục hành chính cấp huyện. Thủ tục được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt trên 98%.

Công tác thanh, kiểm tra, Sở TN&MT đã triển khai 22 cuộc thanh, kiểm tra, với 128 tổ chức, cá nhân; phát hiện vi phạm 3.278m2 đất, kiến nghị thu hồi 618m2 đất; ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với 78 triệu đồng. Chấn chỉnh quản lý và đề nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực của ngành. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện 100% kết luận thanh, kiểm tra, quyết định xử lý sau thanh tra trong năm 2017-2018, thu hồi 643m2 đất. Đặc biệt, đã tập trung triển khai thực hiện Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020…

Trong lĩnh vực đất đai, đã tập trung hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp mới, cấp đổi GCN, đến nay đã cấp trên 50.000 GCN… Thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai với các tổ chức, đã kiểm tra 34 tổ chức với 38 khu đất; trình UBND tỉnh quyết định thu hồi 15ha các khu đất vi phạm và tổ chức tự nguyện trả đất.

Tập trung cao độ cho công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB thực hiện các dự án đầu tư phát triển, đã thực hiện thu hồi, GPMB trên 200ha của 15 tổ chức và 930 hộ gia đình. Số tiền bồi thường, hỗ trợ trên 400 tỷ đồng. Triển khai thực hiện kế hoạch khai thác quỹ đất tạo nguồn thu từ đất đạt kết quả cao nhất so với các năm trước đây, số thu đạt trên 800 tỷ đồng.

Hoàn thành lập quy hoạch về tài nguyên nước đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 làm cơ sở tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Bổ sung danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, các hồ chứa thủy điện… Tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh cấp mới 23 giấy phép tài nguyên nước.

Lĩnh vực khoáng sản, đã trình UBND tỉnh cấp 8 giấy phép thăm dò khoáng sản, 10 giấy phép khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản với 10 điểm mỏ của 9 tổ chức, đóng cửa mỏ với 3 mỏ, thu hồi 3 giấy phép khai thác khoáng sản…

Tổ chức thẩm định phê duyệt 47 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 1 đề án bảo vệ môi trường chi tiết, thẩm định, xác nhận 45 kế hoạch bảo vệ môi trường, kiểm tra xác nhận việc thực hiện công trình biện pháp bảo vệ môi trường với 25 cơ sở, 11 giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, cấp 11 sổ đăng ký chủ nguồn thải… Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trên 4,2 tỷ đồng.

Nhìn chung trong năm 2018, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường bước đầu được khống chế, ngăn chặn và đạt kết quả khả quan. Điển hình, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do chế biến cà phê đã cơ bản được ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng ngừng cấp nước sinh hoạt kéo dài như các năm trước đây.

Ông Nguyễn Đắc Lực – Giám đốc Sở TN&MT Sơn La phát biểu kết luận hội nghị
Ông Nguyễn Đắc Lực – Giám đốc Sở TN&MT Sơn La 

Cần đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong quản lý TN&MT
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Còn để xảy ra tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, không đăng ký đất đai, lấn chiếm đất công, đào lấp, san, ủi, xây dựng trái phép, mua bán chuyển nhượng dất không theo quy định… Triển khai đo đạc, quản lý đất nông lâm trường còn chậm…

Tiếp đó, các đại biểu đã lắng nghe báo cáo kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực đất đai đang triển khai trên địa bàn tỉnh, liên quan đến công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu, việc thực hiện Quyết định 3176 của UBND tỉnh Sơn La về rà soát, kiểm tra tình hình sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết quả đo đạc diện tích đất nông, lâm trường trên địa bàn…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Qua nghe các báo cáo do lãnh đạo Sở trình bày trước hội nghị, với khối lượng công việc rất lớn và lĩnh vực phức tạp, biên chế được giao chưa đảm bảo đáp ứng với một số nhiệm vụ của ngành nhưng toàn ngành đã tập trung cao để chỉ đạo, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tôi xin ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích trên các lĩnh vực mà toàn ngành TN&MT đã đạt được trong năm 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành TN&MT còn một số tồn tại, hạn chế, cần phải khắc phục và hoàn thiện trong năm tới, trong đó có những vấn đề nóng cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt trong năm 2019, đơn cử: Việc rà soát đất của các tổ chức trên địa bàn tỉnh năm 2018 có tập trung triển khai nhưng kết quả đạt được chưa cao và đặc biệt chưa xác định rõ được kế hoạch đến thời điểm nào sẽ hoàn thành. Đây cũng là nhiệm vụ của các huyện, thành phố trong quản lý đất đai tại địa bàn.

Công tác kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng chưa xử lý quyết liệt, việc san lấp đất ruộng, san đồi, phá đá, xây dựng nhà, lán trại, công trình trái phép dọc các tuyến quốc lộ, các khu đông dân cư như khu vực Chiềng Sinh, Chiềng Mung, Hát Lót, thị trấn Mộc Châu, thị trấn nông trường Mộc Châu nhưng không được xử lý hoặc xử lý thiếu quyết liệt. Đây không phải chỉ riêng nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường mà là cả của hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với cấp huyện. Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính đất có nguồn gốc nông, lâm trường còn rất chậm, điển hình là 3 huyện Sông Mã, Mường La, Mai Sơn. Công tác hậu kiểm sau cấp phép khoáng sản chưa được thực hiện thường xuyên… Hoạt động bảo vệ môi trường còn mất cân đối, mới chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại đô thị…

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

“Những vấn đề trên, tôi đề nghị ngành TN&MT tích cực tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục giải quyết trong năm 2019. Đồng thời, năm 2019, tôi đề nghị ngành TN&MT triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về quản lý TN&MT theo hướng ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, bất cập và cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ, ngành theo thẩm quyền, phù hợp với điều kiện của tỉnh và gắn với tăng cường phổ biến, thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TN&MT theo hướng phối hợp chặt chẽ từ cơ sở, tập trung vào các vấn đề bức xúc gồm: Các dự án chậm đưa đất vào sử dụng để lãng phí đất đai hoặc mua bán chuyển nhượng đất, tài sản trên đất trái pháp luật, không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích, tự chuyển mục đích sử dụng đất… Hoàn thành 2 chỉ tiêu giao năm 2019 gồm: Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn đạt 64%...” – ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Với các huyện, thành phố, ông Lò Minh Hùng đề nghị các huyện, thành phố tập trung cao cho rà soát sử dụng đất các tổ chức trên địa bàn; trình thu hồi đất đối với các tổ chức có vi phạm pháp luật về đất đai, đây là nguồn thu ngân sách lớn từ việc đấu giá quyền sử dụng đất. Tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để và quyết liệt các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Đây là vấn đề mấu chốt trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án trên địa bàn.

Đôn đốc, chỉ đạo các phòng, ban và cán bộ địa chính cấp xã tập trung cao cho công tác chỉnh lý biến động đất đai để sử dụng có hiệu quả các sản phẩm đo đạc, cơ sở dữ liệu đất đai... Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, đặc biệt là tình hình khai thác cát khu vực sông Mã, sông Đà thuộc địa phận các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Bắc Yên và Mường La. Đây cũng là nhiệm vụ chung của các sở ngành như Công an, Giao thông vận tải, Công thương, Xây dựng...