Cải cách thủ tục hành chính ngành TN&MT: Vì người dân, vì doanh nghiệp

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:41, 17/01/2019

(TN&MT) - Trong quá trình xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động”, công tác cải cách thủ tục hành chính là điều kiện tiên quyết để “phục vụ nhân dân”. Luôn đặt lợi ích của người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu cũng là mục tiêu mà Bộ TN&MT đặt ra trong năm qua. Và “quả ngọt” của 1 năm nỗ lực là thành tích cán đích sớm (trước 2 tháng) và vượt mức kế hoạch (12,6% thủ tục) do Chính phủ yêu cầu. Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT.
Phan Tuấn Hùng Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT
Ông Phan Tuấn Hùng -
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT

PV:Thưa ông, Nghị quyết 01/2018/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện đầu tư kinh doanh và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Vậy, Bộ TN&MT đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?

Ông Phan Tuấn Hùng: Những năm gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo  việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, vì người dân, vì doanh nghiệp (DN). Ngay ngày đầu của năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, trong đó, có giao nhiệm vụ cho các Bộ, ban, ngành thực hiện mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện đầu tư kinh doanh và hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.

Thực hiện Nghị quyết này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, trình Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để đạt các chỉ tiêu đề ra. Và chỉ trong quý III/2018, Bộ đã hoàn thành cả 2 chỉ tiêu này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Sau đó, Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định 136/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT, trong đó, sửa đổi đến 11 Nghị định có liên quan. Bộ trưởng cũng ban hành Thông tư số 03/TT-BTNMT về sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực môi trường, trong đó, đã sửa đổi 3 thông tư liên quan. Như vậy, với việc sửa đổi và trình sửa đổi, bổ sung một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có 11 Nghị định và 2 Thông tư liên tịch, Bộ đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho người dân, doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, ngoài việc “về đích” sớm, Bộ còn hoàn thành vượt mức 2 chỉ tiêu mà Chính phủ giao. Đối với điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ đạt 62,6% cao hơn 12,6%; đối với cắt giảm hàng hóa chuyên ngành, Bộ cũng đạt con số 51,3% với hàng chục lĩnh vực được cắt giảm.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương Bộ TN&MT là 1 trong 6 Bộ hoàn thành mục tiêu đề ra. Việc cải cách, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, hàng hóa chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN chính là điểm nhấn ấn tượng trong công tác cải cách hành chính của Bộ trong năm 2018.

Nd25
Đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: MH

PV:Bộ TN&MT đã tiên phong trong việc cải cách, cắt giảm rất nhiều điều kiện và danh mục hàng hóa chuyên ngành tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Phan Tuấn Hùng: Theo kết quả rà soát của Bộ trong năm 2017, ngành TN&MT có 163 điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT, trong đó, chủ yếu là 6 lĩnh vực lớn: Đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn (KTTV), đo đạc bản đồ. Ngay sau đó, Bộ đã quyết liệt rà soát và đề xuất phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh.

Đến cuối năm 2017, Bộ đã đề xuất cắt giảm 46% điều kiện. Năm 2018, khi Nghị quyết 01 ra đời, Bộ tiếp tục rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm. Trong quý 3, Bộ đã trình Chính phủ Nghị định 136 bãi bỏ và sửa đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh trong 6 lĩnh vực lớn của Bộ. Nghị định này đã bãi bỏ và cắt giảm được 102/163 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm 62,6%, trong đó, có 77 điều kiện bãi bỏ và 25 điều kiện được sửa đổi, đơn giản hóa; bãi bỏ 9 thủ tục hành chính.

Theo đó, lĩnh vực đất đai bãi bỏ 8 điều kiện, sửa đổi 9 điều kiện; lĩnh vực môi trường bãi bỏ 43 điều kiện, sửa đổi 5 điều kiện, bãi bỏ 8 thủ tục; lĩnh vực khoáng sản bãi bỏ 5 điều kiện, sửa đổi 2 điều kiện; lĩnh vực tài nguyên nước bãi bỏ 21 điều kiện, sửa đổi 7 điều kiện, bãi bỏ 1 thủ tục; lĩnh vực khí tượng thủy văn sửa đổi 1 điều kiện và lĩnh vực đo đạc bản đồ sửa đổi 1 điều kiện.

Như vậy, khi các thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn hoặc được đơn giản hóa, DN và người dân không phải thực hiện những quy định đó. Đây là những hiệu ứng tích cực trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh, giúp người dân và DN giảm gánh nặng thực hiện các quy định thủ tục không cần thiết.

PV:Đó là kết quả cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh. Vậy còn việc cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành TN&MT được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng: Ngành TN&MT có 74 hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc 2 lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH). Lĩnh vực môi trường có hàng hóa là phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, lĩnh vực BĐKH là nhập khẩu các chất HCFC. Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát và đề xuất các giải pháp và cũng trong quý III/2018, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ban hành Thông tư 03/TT-BTNMT sửa đổi, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN&MT. Thông tư này sửa đổi 2 Thông tư liên tịch có liên quan đến xuất nhập khẩu HCFC và Một cửa Quốc gia; 1 Thông tư về nhập khẩu phế liệu; cắt giảm 38/74 (tương đương 51,3%) hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực TN&MT.

Cùng với đó, Bộ cũng soạn thảo và trình Chính phủ nghị định sửa đổi Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường. Như vậy, sẽ có 14/15 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành được bãi bỏ và đơn giản hóa, chiếm 93,9%. Tuy con số về mặt hàng hóa không nhiều nhưng thủ tục hành chính đã được đơn giản và bãi bỏ rất lớn. Về 38 hàng hóa được cắt giảm chủ yếu là hàng hóa nhập khẩu HCFC, trước đây, hàng hóa này chịu sự quản lý của 2 Bộ TN&MT và Bộ Công Thương. Đến nay, Bộ TN&MT đề xuất bãi bỏ thủ tục hạn ngạch cho DN, DN chỉ phải tới xin xác nhận của Bộ Công Thương.

PV:Ông có thể chia sẻ cụ thể về lợi ích mà DN được hưởng từ việc cắt giảm nêu trên?

Ông Phan Tuấn Hùng: Việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm tra hàng hóa chuyên ngành đã tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. DN hoạt động trong lĩnh vực TN&MT được hưởng lợi rất lớn từ việc không phải thực hiện các điều kiện, thủ tục hành chính không cần thiết, làm giảm đáng kể các chi phí trong việc tuân thủ các thủ tục hành chính, hồ sơ, thời gian...

Trước đây, các thủ tục hành chính rất phức tạp và rườm rà, gây khó khăn cho người dân và DN, nay đã được giảm bớt. Chúng tôi đã đánh giá sơ bộ tác động của việc cắt giảm. Theo đó, hiệu quả kinh tế theo Nghị định 136 là các DN cắt giảm được 2,7 triệu giờ công lao động/năm, tương ứng khoảng 37 tỷ đồng/năm. Đối với cắt giảm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, các DN giảm được 51.000 giờ công lao động/năm, tương đương trên 3 tỷ đồng/năm. Như vậy, lợi ích tiết kiệm chi phí của người dân và DN rất lớn.

PV:Về phía Bộ TN&MT, liệu việc cắt giảm này có làm ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý Nhà nước không, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng: Ngoài mục đích tăng cường lợi ích môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc cắt giảm này hướng đến loại bỏ các rào cản, quy định, thủ tục không cần thiết đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng được giảm áp lực giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện như thời gian, nguồn lực, con người. Giúp hoạt động quản lý Nhà nước được minh bạch và nâng cao hiệu lực quản lý trong lĩnh vực TN&MT. Giúp ngành TN&MT chuyển dần phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo chỉ đạo của Chính phủ.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!